📞

Thầy thuốc trẻ và 23 đợt khám bệnh tình nguyện

09:13 | 27/02/2017
Không chỉ tổ chức hàng chục cuộc khám bệnh tình nguyện, người thầy thuốc, giảng viên trẻ của trường Đại học Y Hà Nội đang triển khai 4 dự án nghiên cứu về y tế với đối tác đến từ Australia, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản...  
Thạc sĩ Đỗ Nam Khánh

Với ngọn lửa của lòng đam mê khoa học, lòng yêu nghề gửi gắm trong tâm sự: “Nếu như được lựa chọn lần thứ hai thì tôi vẫn chọn nghề y”, Khánh đã mở cho tôi biết bao điều về con người cũng như sự nghiệp của anh…

Bén duyên với nghề Y

Sinh ra và lớn lên ở Nam Trực (Nam Định), từ khi 12 tuổi, chàng trai Đỗ Nam Khánh đã xa nhà đi trọ học ở các trường chuyên của huyện và tỉnh.

Nói về duyên cớ đến với nghề y, Khánh kể ngày bé rất hay bị ốm do sưng amidan. Vì thế, anh ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ hoặc làm việc trong lĩnh vực y tế để có thể chia sẻ, giúp đỡ được nhiều người. Sau đó, chàng trai sinh năm 1985 đi học chuyên Sinh và thi vào trường y như một cái duyên tự nhiên với nghề.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) năm 2009, Khánh được giữ ở lại trường làm giảng viên. Đến năm 2012, nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Australia, anh quyết định đi học Thạc sĩ ở Đại học Quốc gia Australia với mong muốn lĩnh hội được kiến thức tiên tiến để quay về truyền đạt cho sinh viên cũng như phục vụ cộng đồng.

Năm 2014, cầm tấm bằng Thạc sĩ, Khánh quay trở lại làm giảng viên ở Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường ĐHYHN.

Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, nghiên cứu khoa học, Khánh còn tham gia công tác Đoàn thanh niên và là Bí thư Đoàn trường trẻ nhất trong lịch sử ngôi trường này.

Có may mắn được trải nghiệm cuộc sống từ nông thôn đến thành thị, cộng với việc được đi học tập, chia sẻ ở nhiều nước, Khánh hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi người dân cũng như sự cao quý của người thầy thuốc. Khánh quan niệm, trong thang bậc xã hội ở nước ngoài, bác sĩ luôn được tôn trọng bậc nhất.

Bác sĩ  Khánh trong một chuyến khám chữa bệnh tình nguyện tại Hà Nam.

Không phải là một bác sĩ lâm sàng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân mà làm trong lĩnh vực nghiên cứu phòng bệnh và giảng dạy là chính, Khánh yêu và tự hào về công việc mình đang làm tại trường ĐHYHN.

“Ở đó, những người trẻ như tôi có cơ hội được làm việc trong một môi trường thuận lợi, luôn được tạo điều kiện tối đa để phát huy sức trẻ, sức sáng tạo trong công việc chuyên môn và đoàn thể. Tôi vẫn được học tập từ các thầy cô đi trước, chia sẻ cùng các bạn sinh viên, cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn cũng như luôn được mở mang hợp tác quốc tế”- Khánh tâm sự như nói với chính mình.

Day dứt vì một câu nói

Trong cuộc trò chuyện với tôi, điều mà người thầy thuốc trẻ này hay nhắc đến nhất chính là niềm trăn trở làm sao có thể thực hiện được nhiều hoạt động hơn nữa vì cộng đồng.

Cái thiếu thốn nhất của người bác sĩ đó là thời gian dành cho gia đình nhưng với Khánh, niềm vui không gì đánh đổi được, đó là khám bệnh miễn phí cho người dân ở những vùng khó khăn.

Với Khánh, người thầy thuốc dù bận rộn với công tác chuyên môn nhưng họ luôn hạnh phúc, tự hào vì đã góp phần nhỏ vào công việc cứu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khánh cho rằng, trong bối cảnh ngày nay, sức khỏe con người đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thì vai trò của người thầy thuốc trong việc cứu chữa, phòng bệnh đúng cách lại càng quan trọng.

Khánh kể, có nhiều người hỏi anh tham gia tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh tình nguyện như thế để làm gì? Chàng giảng viên trẻ cho rằng, tuy chỉ là khám sàng lọc bệnh, điều trị các bệnh thông thường, làm các tiểu phẫu, cấp phát thuốc miễn phí nhưng cũng giúp chia sẻ phần nào khó khăn với những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo…

Khánh bộc bạch: “Qua các chuyến đi, tôi nhận thấy, chúng ta đang rất may mắn khi có cơm ngon, áo đẹp để mặc. Trong khi, xung quanh ta vẫn còn có những cụ già gần 80 tuổi khi được hỏi, họ luôn mơ ước được ăn một bát phở nóng trong đời”.

Đó có lẽ là câu nói khiến Khánh cảm thấy day dứt và càng quyết tâm giúp ích được nhiều hơn nữa cho cộng đồng, cho những mảnh đời khó khăn. Bởi với anh, mỗi người hãy sẻ chia một chút, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, nhân văn hơn.

Nói về kỷ niệm buồn vui trong nghề, Khánh chậm rãi kể về chuyến đi khám chữa bệnh trên Cao Bằng (năm 2015). Lúc đó, cả đoàn lo lắng khi không có đủ xe đưa đón, không có đủ thuốc, không đủ bác sĩ có trình độ sau đại học. Nhưng sau khi vận động đầy đủ điều kiện tối ưu cho chuyến đi thì đoàn lại gặp đúng những ngày mưa, đường xá sạt lở, đi lại rất khó khăn. Cơn mưa tầm tã khiến gương mặt toàn đoàn buồn thiu, không khí chán nản. Nhưng đúng hẹn, 8 giờ sáng bà con nườm nượp mặc áo mưa kéo đến đứng chật kín sân của trạm y tế và trường học.

Ngoài trời, mưa vẫn đổ, nhưng những bác sĩ, y tá vẫn tận tình thăm khám cho từng người. Vừa kể, trên gương mặt Khánh vẫn còn thấp thoáng niềm vui, niềm tự hào của người thầy thuốc trẻ. Chợt dừng lại, Khánh bỗng day dứt: “Rất nhiều bà con đã khóc khi nói rằng lần đầu tiên được siêu âm, được điện tim, được nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán bệnh mà họ không hề biết”.

Đã tổ chức 23 đợt khám chữa bệnh tình nguyện từ năm 2014 đến nay, nhưng Khánh chỉ khiêm tốn: “Thú thực, những gì tôi làm và đóng góp chỉ rất nhỏ bé so với thế hệ đàn anh cũng như đồng nghiệp mà thôi. Nhìn ánh mắt của bà con, nhìn cảnh bà con mặc áo mưa đứng xếp hàng giữa lúc trời mưa tầm tã, chúng tôi không cầm được nước mắt…”.

Đó có lẽ là lý do thôi thúc, là động lực để anh và đồng nghiệp tổ chức các đợt khám chữa bệnh mang đúng thương hiệu Trường ĐHYHN.

Khánh(thứ 2 từ trái sang) và những người bạn đồng hành trong chuyến khám chữa bệnh tình nguyện. 

Nỗi trăn trở của người giảng viên trẻ

Là một giảng viên trẻ, Khánh đang triển khai 4 dự án nghiên cứu về y tế với 4 nước (Australia, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản). Hướng tới kỷ niệm 115 năm thành lập trường ĐHYHN, Khánh và các bạn dự định trong năm 2017 sẽ tổ chức 12 cuộc khám chữa bệnh tình nguyện trong chuỗi hoạt động “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.

Không chỉ vậy, chàng giảng viên trẻ cũng đang triển khai 2 đề án nghiên cứu khoa học trẻ nhằm mục đích tăng số lượng các bài báo khoa học quốc tế cho cán bộ và sinh viên Y khoa. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cho cán bộ và sinh viên Y khoa cũng là đề án mà chàng trai trẻ dành nhiều tâm huyết.

Đề cập đến chuyện nhiều bệnh nhân đang tìm tới những bệnh viện ở nước ngoài để chữa bệnh, Khánh cũng có nhiều trăn trở. Anh cho rằng mọi người nên nhìn nhận lại trình độ chuyên môn lâm sàng của nước ta ở nhiều chuyên ngành không thua kém, thậm chí ngang bằng với Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Israel. Có chăng dịch vụ ở một số bệnh viện trong nước chưa tốt mà thôi.

Mỗi năm, người Việt Nam mất khoảng 1 tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh là một thực trạng đáng buồn khiến những người làm trong ngành y phải suy nghĩ. Trong khi hiện nay, chúng ta có rất nhiều bác sỹ giỏi, rất nhiều bệnh viện với chất lượng, dịch vụ y tế rất tốt.

Khánh nhắn nhủ: “Nếu là tôi, tôi sẽ cân nhắc thật kĩ trước khi ra nước ngoài khám chữa bệnh. Đã từng ở nước ngoài nên tôi hiểu, nếu bạn là công dân nước đó mà có bảo hiểm y tế thì thì không tốn kém trong khám chữa bệnh. Nhưng nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thì giá cùng một loại dịch vụ sẽ cao gấp 3-5 lần so với ở Việt Nam mà chưa chắc chất lượng y tế và dịch vụ sẽ cao hơn ở trong nước”.

Hình ảnh chàng giảng viên trẻ ngành y luôn ấp ủ và miệt mài với những chuyến hoạt động vì cộng đồng khiến tôi rất cảm phục. Dường như với Khánh, đó là “niềm vui” không gì đánh đổi...

Những thành tích Khánh đã đạt được:

- Học bổng toàn phần của Chính phủ Australia cho học viên Thạc sĩ tại Trường Y khoa - Đại học Quốc gia Australia (2011).

- Giải thưởng Du học sinh có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại thủ đô Canberra , Australia ( 2012-2013) - Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Australia ( 2013).

- Gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2016.

- Giấy khen Cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc,Thành đoàn Hà Nội (năm 2015 và 2016).

- Giải thưởng Học bổng toàn phần cho Nghiên cứu sinh, Trường ĐH Wageningen, Hà Lan, giai đoạn 2017-2020.

- Tổ chức 23 đợt khám bệnh tình nguyện từ năm 2014 đến nay.

- Hướng dẫn tốt nghiệp bằng tiếng Anh cho 12 sinh viên.

- Có 12 bài báo khoa học trong nước và quốc tế.