📞

The Diplomat: Philippines đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc trên Biển Đông?

Vũ Ngọc 17:41 | 05/05/2021
Thái độ gay gắt từ những quan chức cấp cao Philippines những ngày qua khá trái ngược với lập trường thân thiện của Tổng thống Rodrigo Duterte với Trung Quốc.
Khu vực Bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc Philippines. (Nguồn: AFP)

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 3/5 thông báo, chính phủ nước này phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rầy các tàu hải cảnh của Philippines đang thực hiện hoạt động tuần tra tại một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.

Đây là lời phản đối mới nhất trong hàng chục lần phản đối thời gian gần đây mà Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra, cùng với ngày càng nhiều tuyên bố gay gắt của người đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng nước này về các hành động của Bắc Kinh ở các vùng biển tranh chấp.

Phản ứng quyết liệt

Thái độ gay gắt từ những quan chức cấp cao Philippines những ngày vừa qua đã gia tăng bất chấp lập trường thân thiện của Tổng thống Rodrigo Duterte với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đã lên Twitter viết những lời lẽ khá khiếm nhã để yêu cầu Trung Quốc đi ra khỏi các khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thì phản đối yêu cầu của Bắc Kinh rằng, Philippines phải chấm dứt các hoạt động tuần tra tại khu vực tranh chấp.

Ông phát biểu trong một đoạn băng ghi hình được đưa ra tối 2/5: “Mặc dù chúng ta biết rằng, năng lực quân sự của Trung Quốc tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều, nhưng điều này không ngăn cản được chúng ta bảo vệ những lợi ích quốc gia của mình và sự tôn nghiêm của chúng ta với tất cả những gì chúng ta có”.

Trong sự cố mới nhất, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Bộ này “phản đối các hành vi bao vây, ngăn chặn nguy hiểm và những lời thách thức qua sóng radio của lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhằm vào các tàu hải cảnh Philippines đang thực hiện các hoạt động tuần tra hàng hải hợp pháp và các cuộc tập huấn” từ ngày 24-25/4 gần Bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc Philippines.

Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền với ngư trường dồi dào tài nguyên này, vốn đã bị Trung Quốc giành quyền kiểm soát vào năm 2012 bằng cách dùng lực lượng hải cảnh và các tàu giám sát để bao vây sau khi có một cuộc đối đầu căng thẳng với các tàu của Philippines.

Bộ này cũng tuyên bố phản đối “sự hiện diện liên tục, bất hợp pháp, kéo dài và ngày càng gia tăng của các tàu đánh cá và tàu bán dân sự của Trung Quốc tại các khu vực thuộc Philippines” trên vùng biển tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, các lực lượng thực thi pháp luật Philippines đã phát hiện hàng trăm tàu Trung quốc xuất hiện trong các khu vực xung quanh Bãi cạn Scarborough và Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát (mà Philippines gọi là Pagasa) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Căng thẳng tiếp tục leo thang

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và “chấm dứt các hành động làm phức tạp hóa tình hình và gây leo thang những tranh chấp”.

Trung Quốc hiện đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.

Hôm 2/5, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, một đội tàu sân bay của Trung Quốc vừa tiến hành các cuộc tập trận thường niên tại tuyến hàng hải sầm uất này.

Tình trạng thù địch leo thang giữa Manila và Bắc Kinh bắt đầu xảy ra sau khi hơn 200 tàu Trung Quốc bị giới chức Philippines nghi ngờ là do lực lượng dân quân điều khiển, bị phát hiện tại Đá Ba Đầu hồi đầu tháng 3.

Chính phủ Philippines đã yêu cầu các tàu này rời đi, sau đó điều các tàu hải cảnh đến khu vực này. Phía Trung Quốc nói họ sở hữu bãi đá ngầm này và các tàu của Trung Quốc đang trú tạm ở đây trong tình trạng thời tiết xấu trên biển.

Nhiều tàu Trung Quốc sau đó đã rời khỏi Đá Ba Đầu, nhưng một số vẫn bám trụ ở khu vực này, vốn thuộc đảo san hô cạn do cả Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát một phần.

Chính phủ Philippines cho biết, bãi đá nằm trong khu vực ngoài khơi của Philippines được quốc tế công nhận và Manila có đặc quyền để khai thác cá, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác tại đây.

Mỹ cho biết sẽ đứng về phía Philippines trong các tranh chấp lãnh thổ này.

Trước thông tin tàu Sơn Tây Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc ngày 28/4 đã tiến vào Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố:

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước.

Việt Nam mong rằng, các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông.