Vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII đã tiến hành bầu các vị trí lãnh đạo của đất nước trong 5 năm tới. Đáng chú ý nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư. Tờ The Diplomat nhận định, việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. |
Báo này cho rằng, việc ông Trọng tái đắc cử sẽ ổn định cục diện chính trị của Việt Nam trong 5 năm tới. Ngoài ra, năm 2021 cũng là năm đánh dấu chặng đường 35 năm Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới sau khi đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội. Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đất nước cần phải duy trì tiến độ này cho đến nhiệm kỳ sau vào năm 2026, tức kỷ niệm 40 năm Đổi mới và là một dấu mốc vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, đất nước cần duy trì ổn định về chính trị và kinh tế, đòi hỏi các chính sách và định hướng nhất quán trong 5 năm tới. Thực tế, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao, trung bình khoảng 6,4% mỗi năm.
Đáng chú ý, vào năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo và nỗ lực của Đảng, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tích cực 1,6% và vượt Philippines về GDP bình quân đầu người. Việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm người đứng đầu ĐCSVN có thể giúp Việt Nam duy trì đà phát triển kinh tế này.
Năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn và đã khởi tố, kỷ luật nghiêm các đảng viên vi phạm. Gần đây nhất, Tổng Bí thư khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ bất cứ lúc nào.
Trong đại dịch Covid-19, nhờ sự minh bạch trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình khá hiệu quả so với các nước trong khu vực. Về vấn đề nhân quyền, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy bảo vệ quyền con người và cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu.
Với những thành tựu trên, việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 có thể đảm bảo ĐCSVN thực hiện các chính sách của mình một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu trong 5 năm tới. Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng uy tín quốc tế của mình một cách hiệu quả. Ví dụ, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã được khen ngợi trong việc thể hiện vai trò dẫn dắt, điều phối hiệu quả, giúp khối vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Việt Nam đã thể hiện mình là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã thực hiện tốt các sáng kiến và hoạt động giúp duy trì và thúc đẩy môi trường toàn cầu ổn định.
Kể từ năm 2011, Việt Nam đã làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, cũng như đàm phán thành công và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Với những thành tựu này, việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vị trí Tổng Bí thư nhiều khả năng sẽ chứng kiến Việt Nam tiếp tục đi theo quỹ đạo của chính sách đối ngoại hiện tại, mở ra nhiều cơ hội cho đất nước.
The Diplomat kết luận, nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cần thiết để đảm bảo môi trường trong nước thuận lợi và sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.