Nền kinh tế Ấn Độ hiện trị giá gần 3,5 nghìn tỷ USD. (Nguồn: CNBC) |
Sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi, thị trường chứng khoán nước này đã tăng chóng mặt.
Niềm tin kinh tế tại đất nước đông dân nhất thế giới ngày càng tăng. Vào tháng 8, Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng. Điều này đã khẳng định tham vọng về khoa học và công nghệ của đất nước.
Sự bùng nổ của Ấn Độ xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc - vốn là động lực tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập niên - đang chứng kiến nền kinh tế giảm sút. Hội tụ nhiều lợi thế thuận lợi, New Delhi đang nhanh chóng nổi lên như một "người kế thừa" tiềm năng, từ dân số trẻ ngày càng tăng đến các nhà máy sản xuất xuất hiện ngày một dày đặc.
GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho biết: “Không thể phủ nhận nền kinh tế Ấn Độ đã sẵn sàng cho sự bùng nổ. Một số giải pháp cải cách được thực hiện trong những năm qua đã mở đường cho đà tăng trưởng vững chắc.
Quốc gia này cũng đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài vì một số lý do chính đáng".
Số hóa "thay đổi cuộc chơi"
Trong vài thập niên qua, đã có những giai đoạn thế giới lạc quan về Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn liên tục "ghi điểm" với thế giới.
Khoảng cách giữa hai nền kinh tế châu Á là rất lớn. Nền kinh tế Ấn Độ hiện trị giá gần 3,5 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có quy mô gần 15 nghìn tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, cả hai nền kinh tế dự kiến sẽ đóng góp khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, với 35% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Công ty dịch vụ tài chính Barclays viết trong báo cáo rằng, để vượt qua Trung Quốc trở thành nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, Ấn Độ phải đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức 8%.
Năm nay, IMF dự báo, Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức 6,3%.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5%. nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng gia tăng, như chi tiêu tiêu dùng yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Barclays nhận định: “Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới. Nhưng để đạt mức tăng trưởng 8%, khu vực tư nhân ở Ấn Độ cần phải tăng cường mức độ đầu tư”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đưa nước này trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Chính phủ đang tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn và thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư hơn.
Giống như Trung Quốc đã làm cách đây hơn ba thập niên, Ấn Độ đang bắt đầu cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng cách chi hàng tỷ USD để xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt. Chỉ riêng trong ngân sách năm nay, 120 tỷ USD đã được chi cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy mở rộng kinh tế.
Trên thực tế, Ấn Độ đã bổ sung thêm 50.000 km vào mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tăng 50% tổng chiều dài từ năm 2014 đến năm 2022.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, đất nước của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số. Điều này đang làm thay đổi hoạt động thương mại của đất nước.
GS. Eswar Prasad nhận định, số hóa đã góp phần "thay đổi cuộc chơi" đối với người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như chương trình Aadhaar được triển khai năm 2009 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Ấn Độ. Chương trình vận hành bằng cách quét dấu vân tay, mống mắt và khuôn mặt của 1,3 tỷ người dân và kết nối dữ liệu với mọi thứ, từ vé tàu xe, tài khoản ngân hàng, thông tin thuế, phúc lợi xã hội đến điện thoại di động.
Một nền tảng khác - giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) - cho phép người dùng thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Giao diện này được người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội đón nhận và hàng triệu USD đã chảy vào nền kinh tế.
"Không thể phủ nhận nền kinh tế Ấn Độ đã sẵn sàng cho sự bùng nổ. Một số giải pháp cải cách được thực hiện trong những năm qua đã mở đường cho đà tăng trưởng vững chắc. Quốc gia này này cũng đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài vì một số lý do chính đáng", GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell. |
Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Modi trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, nhờ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, Ấn Độ đã đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện chỉ trong 6 năm, thay vì 47 năm.
Chưa thể thay thế Trung Quốc
Ấn Độ đang hưởng lợi từ chiến lược củng cố chuỗi cung ứng của các công ty trên toàn cầu. Các doanh nghiệp quốc tế muốn đa dạng hóa để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt từ sau khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và Covid-19 xuất hiện.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cũng tích cực triển khai chương trình khuyến khích sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các công ty thành lập sản xuất trong 14 lĩnh vực, bao gồm điện tử, ô tô, dược phẩm và thiết bị y tế.
Kết quả là, một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhà cung cấp Foxconn của Apple, đang mở rộng hoạt động ở Ấn Độ. Nhưng ngay cả khi sức nặng của Ấn Độ ngày càng tăng, đất nước vẫn chưa thể tạo được phép màu kinh tế - điều mà Trung Quốc đã tạo ra cách đây nhiều thập niên.
GS. Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard nhận thấy: “Ấn Độ không giống Trung Quốc vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa gỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài. Theo nhận định của tôi, thủ tục vẫn khá rườm rà, nền kinh tế còn khó đoán và nhiều rào cản phi thuế quan là những vướng mắc còn tồn tại ở Ấn Độ".
Dẫn chứng là năm 2016, Ấn Độ đột ngột khai tử tờ 500 và 1.000 Rupee. Điều này nhiều người dân và doanh nghiệp sống dựa vào tiền mặt chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn người Ấn Độ đã đổ đến các ngân hàng để đổi tiền bởi hai loại tiền này quá phổ biến.
Trong khi đó, tháng 7/2023, Ấn Độ không thông qua kế hoạch xây nhà máy xe điện của BYD và một công ty địa phương với lý do vì an ninh quốc gia.
Báo cáo được công bố vào tháng 10 của Ngân hàng HSBC cho hay, Ấn Độ vẫn có quá ít yếu tố để lấp chỗ trống cho "cỗ máy tăng trưởng" Trung Quốc.
Hai nhà kinh tế học Frederic Neumann và Justin Feng của HSBC chỉ rõ, hai nước vẫn tồn tại sự khác biệt về tiêu dùng và đầu tư. Trung Quốc hiện đóng góp 30% đầu tư trên toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Ấn Độ chỉ là 5%. "Kể cả khi Trung Quốc dừng đầu tư và Ấn Độ tăng tốc lên gấp 3, New Delhi vẫn phải mất 18 năm nữa mới bắt kịp mức đầu tư từ Bắc Kinh", báo cáo nêu.
Về tiêu dùng, Ấn Độ cũng phải mất 15 năm nữa mới bằng Trung Quốc hiện tại.
Báo cáo của HSBC kết luận: "Những điều này không phải để nói rằng Ấn Độ sẽ không có ảnh hưởng lớn với thế giới. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng, sự trỗi dậy của đất nước Nam Á vẫn còn chưa đủ để thay thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".