📞

Thế giới đánh giá cao Việt Nam khi tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO

16:24 | 10/10/2017
Dù trong vòng bầu cử đầu tiên vào chức Tổng Giám đốc UNESCO, ứng cử viên Việt Nam không đạt được số phiếu cao, song thông qua quá trình này, vị thế và vai trò của Việt Nam được nâng cao khi các nước đều đánh giá cao việc chủ động tích cực đóng góp của Việt Nam vào công việc chung của tổ chức UNESCO.  

Là một quốc gia có bề dày lịch sử hàng ngàn năm với truyền thống văn hiến ưa chuộng hòa bình, coi trọng giáo dục, tôn trọng và khoan dung về bản sắc văn hóa và khác biệt tôn giáo. Việt Nam có cộng đồng đa sắc tộc, đa ngôn ngữ gồm 54 dân tộc anh em với sự lựa chọn riêng về Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Hồi hay các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa khác.

Xuyên suốt thế kỷ 20, Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố lớn, bị chia cắt, chiến tranh tàn phá nhưng cuối cùng đã thực hiện được nguyện vọng chung của toàn dân là độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Công cuộc khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh sau đó và 30 năm qua, với sự nghiệp "Đổi mới", Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình với nhiều thành tựu được quốc tế công nhận trên mọi lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực chuyên môn của UNESCO.

Việc Chính phủ Việt Nam giới thiệu và ủng hộ Đại sứ Phạm Sanh Châu là đại diện của Việt Nam ứng cử Tổng Giám đốc UNESCO thể hiện sự đánh giá đặc biệt cao về vai trò và vị trí của Tổ chức này tại Việt Nam và trên thế giới.

Ứng cử vào vị trí ứng cử viên ra tranh cử Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021 khẳng định con người Việt Nam đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Đây cũng là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp xây dựng, góp phần định hình các thể chế đa phương và khẳng định tinh thần là đối tác có trách nhiệm.

Đại sứ Phạm Sanh Châu. (Nguồn: Vietnam+)

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam có quan hệ hữu nghị với 185 quốc gia trên thế giới, ngày càng chứng tỏ Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Các nước đều đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; khâm phục lịch sử hào hùng, nền văn hiến lâu đời, truyền thống hòa hiếu cũng như các thành tựu đã đạt được trong đổi mới của Việt Nam. Các nước đánh giá cao đóng góp và mong muốn của Việt Nam có vai trò cao hơn nữa trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng về trách nhiệm, năng lực của con người Việt Nam nói chung và có những đánh giá tích cực về ứng cử viên Phạm Sanh Châu nói riêng.

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp một số khó khăn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí người đứng đầu một tổ chức cấp cao trong hệ thống Liên hợp quốc và phải cạnh tranh trực tiếp. Theo quy định, muốn trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO phải đạt được ít nhất 30/58 phiếu ủng hộ và việc vận động để đạt được quá bán số phiếu ủng hộ không phải dễ dàng. Lịch sử bầu Tổng Giám đốc UNESCO cho thấy đây là một vị trí có tính cạnh tranh cao và lần này có chín ứng cử viên đến từ tất cả các khu vực trên thế giới, gồm Ai Cập, Azerbaijan, Iraq, Guatemala, Lebanon, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam.

Kết quả chung cuộc còn ở phía trước và dù kết quả thế nào, thì việc Việt Nam giới thiệu ứng cử ra tranh cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO là biểu hiện tích cực, có trách nhiệm và chủ động đóng góp vào các công việc quốc tế.

Với hơn 16 năm gắn bó với UNESCO, ứng cử viên Phạm Sanh Châu hiểu rõ về các mục tiêu, chương trình, ưu tiên, các cơ hội cũng như các thách thức mà UNESCO đang phải đối mặt. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các công việc của UNESCO.