Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn có một số yếu tố dẫn dắt tăng trưởng. (Ảnh: Việt An) |
Trong tháng 4/2023 và 4 tháng đầu năm nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực hơn.
Cụ thể, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước đó, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2022 và có xu hướng giảm dần.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng 3/2023 và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,6% so với tháng trước đó và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022…
Tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16.000 doanh nghiệp, tăng 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn so với tháng 3/2023.
Tính chung 4 tháng, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78.900 doanh nghiệp, gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 và nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (77.000 doanh nghiệp).
Tình hình sản xuất, kinh doanh cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,2%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế; xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,55 tỷ USD.
Thương mại, dịch vụ xu hướng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 3,7% so với tháng 3 và 11,5% so cùng kỳ; du lịch phục hồi nhanh, tháng 4 khách quốc tế tăng 9,9 % so với tháng 3, gấp 9,7 lần so với cùng kỳ.
Tại buổi lễ công bố "Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023", ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn. Thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục nâng cao lãi suất để đối phó với lạm phát khiến các chi phí cho hoạt động kinh tế tăng cao trong tương lai gần, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của một số quốc gia.
Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt, đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách và đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Theo OECD, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, dự báo năm 2023, tăng trưởng 6,5% và tăng lên 6,6% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế kỳ đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á.
Yếu tố nào dẫn dắt tăng trưởng?
Tuy nhiên, ông Vincent Koen nhận thấy, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam.
Đồng quan điểm, chia sẻ riêng với TG&VN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Trung Hiếu cho rằng, năm 2023, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia kinh tế có cái nhìn khả quan hơn đối với triển vọng toàn cầu. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2023 còn thấp nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức dự báo ở thời điểm cuối năm 2022.
Nguy cơ suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn hiện hữu và ngày càng rõ nét khi lạm phát kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp cùng với lãi suất tăng nóng.
Ông Lê Trung Hiếu nhấn mạnh: "Kinh tế thế giới 2023 dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng thế giới tăng cao, xung đột Nga-Ukraine với nhiều diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán. Gần đây, sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ và sáp nhập của ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước trên thế giới.
Với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam thì những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái trên thế giới đều tác động đến triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2023 và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023".
Dù vậy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận thấy, trong năm nay, nền kinh tế vẫn có một số yếu tố dẫn dắt tăng trưởng, cụ thể như:
Theo góc độ sản xuất, ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Ngành nông nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ðối với ngành công nghiệp, ông Lê Trung Hiếu cho rằng, dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý I/2023, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng chỉ số sản xuất khá tốt, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Khách du lịch trong nước và quốc tế dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí…
Ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và đã đạt được những kết quả tích cực, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam. |
Ngoài ra, ngành xây dựng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan khi trong năm 2023 sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Các công trình xây dựng lớn phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh đã hoàn thành trong năm 2022 giúp tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế cũng sẽ là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo góc độ sử dụng, năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu nền kinh tế.
Song song, chính sách dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và điểm đến có thể là Việt Nam. Theo đó, các công ty tại Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đây cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: "Một yếu tố khác là cầu tiêu dùng năm 2023 tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước. Dù năm 2023 dự báo khó khăn khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường có hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly. Cùng với đó, lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam (năm 2019 khách Trung Quốc chiếm 30% khách du lịch quốc tế vào Việt Nam), kéo theo xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh".