Các diễn giả và các đại biểu thảo luận với chủ đề “Xây dựng mạng lưới chuyên gia kiều bào hỗ trợ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo”, ngày 16/7/2021. (Nguồn: Tạp chí Quê hương) |
Trên bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam vẫn đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và năng suất lao động. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2021, Việt Nam xếp hạng 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) vẫn giữ vị trí hàng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng bị hạ 2 bậc so với năm 2020.
Để khắc phục mặt hạn chế, tạo môi trường và động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giải pháp tập trung vào con người, nguồn lực con người có ý nghĩa rất quan trọng.
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng là 1 trong 3 đột phá chiến lược; “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo"; “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học công nghệ".
Với quan điểm con người là trung tâm, mục tiêu và động lực của sự phát triển, để phấn đấu đạt được những mục tiêu phát triển to lớn trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tập trung phát triển, phát huy hết tiềm năng to lớn của con người Việt Nam không chỉ ở trong nước và cả ở ngoài nước như đã được tái khẳng định tại Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị là người Việt Nam ở nước ngoài là “nguồn lực quan trọng" đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.
Tiềm năng của kiều bào trẻ đối với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Ước tính hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% trong số đó ở các nước phát triển và khoảng trên dưới một nửa trong số đó là kiều bào trẻ.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), số kiều bào có độ tuổi dưới 45 chiếm khoảng 60% tại Mỹ, Đức và Australia - ba quốc gia có hơn 50% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiềm lực của thế hệ kiều bào trẻ ngày nay thể hiện qua 3 khía cạnh sau.
Thứ nhất là về trí lực. Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên, trong đó nhiều người làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm kỹ thuật - công nghệ của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada…
Họ được tiếp cận, giáo dục, tích lũy kinh nghiệm ở trong môi trường phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nên nhìn chung có tư duy hiện đại, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, theo đuổi cái mới.
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng là 1 trong 3 đột phá chiến lược. |
Thứ hai là về tiềm năng tài chính. Ước tính, cộng đồng kiều bào ước tính có thu nhập hàng năm khoảng 50 tỷ USD, trong đó riêng thu nhập của kiều bào trẻ có thể đạt tới 30 tỷ USD/năm (thống kê không chính thức của Ủy ban).
Thứ ba là tấm lòng hướng về nguồn cội. Dù sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở môi trường nước ngoài, nhưng dòng máu Việt vẫn luôn thôi thúc và tạo ra sự khác biệt giữa họ với những nhà đầu tư, trí thức người nước ngoài khác khi đến Việt Nam làm việc. Đó chính là khả năng tiếp cận nhanh hơn với văn hóa Việt, có thể đưa “tâm hồn Việt”, “chất Việt Nam” trong những sản phẩm, ý tưởng của họ.
Thật vậy, thời gian qua, rất nhiều kiều bào trẻ đã trở về và bước đầu đã ghi dấu ấn tại quê hương, đất nước.
Đó là Esther Nguyễn (kiều bào tại Mỹ) với công ty Pops Worldwide chuyên về phân phối và quản lý nội dung âm nhạc; Lam Tran (kiều bào tại Pháp) với ứng dụng WisePass; nhà sáng lập Kimble Ngô (người Canada gốc Việt) với Ampmarketing Blockchain chuyên về Ứng dụng công nghệ phát triển thành phố...
Chàng trai người Mỹ gốc Việt Daniel Hoài Tiến. (Nguồn: VTV 24) |
Hay như chàng trai người Mỹ gốc Việt sinh năm 1988 Daniel Hoài Tiến, một chuyên gia về nông nghiệp bền vững và mô hình kinh tế hợp tác xã. Quyết định trở về nguồn cội, Hoài Tiến đã đi khắp các vùng miền, vùng sâu vùng xa, giúp người dân bản địa phát triển chuỗi nông sản bền vững.
Daniel Hoài Tiến chia sẻ: “Cái cốt lõi của chúng ta là bản sắc văn hóa và chúng ta phải dựa trên nền tảng văn hóa Việt để đi ra thế giới. Là một người trẻ, tôi và các bạn càng phải tự hào mình là người Việt Nam và tự tin giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những giá trị của đất nước mình”.
Phát huy nguồn lực kiều bào thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, thực hiện chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, với vai trò “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ”, Ủy ban đã tích cực đề xuất, phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng, góp ý các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào trong lĩnh vực đầu tư, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Có thể kể đến một số sự kiện như: Diễn đàn “Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” ngày 9/12/2017 tại San Francisco, Hoa Kỳ; Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” ngày 26/6/2018 tại TP. Hồ Chí Minh...; Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra ngày 16/7/2021…
Hiện nay, Ủy ban đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chỉ đạo tổ chức Techfest 2021 với mục tiêu thúc đẩy, mở rộng hơn nữa sự tham gia của kiều bào.
Ủy ban cũng tham gia ban soạn thảo Nghị định 27/2020/NĐ-CP và tổ biên tập Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thông tư về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Những nỗ lực đó đã góp phần vào sự nghiệp chung nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy thương mại và đầu tư, giúp cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy xây dựng mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp.
Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là rất đáng khích lệ, tạo tiền để cho sự phát triển trong thời gian tới.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Tài chính Arevo, nhà sáng lập Alabaster. (Nguồn: Cafef) |
Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu to lớn của sự nghiệp phát triển đất nước cũng như yêu cầu cấp bách của thực tiễn, vẫn cần có những chính sách tốt, cơ chế tốt, đồng bộ hơn, kịp thời hơn nữa để tạo động lực, kích thích sự sáng tạo và cống hiến.
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Tài chính Arevo, Nhà sáng lập Alabaster, chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển tại Việt Nam còn chưa đồng bộ và đầy đủ, tạo thành cản trở lớn cho các công ty công nghệ vốn cần sự kịp thời và thông suốt trong chính sách để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu và xu thế thị trường; đặc biệt “với các công ty công nghệ, tốc độ rất quan trọng, khi vướng những việc này chúng tôi không thể chờ chính sách thay đổi mà phải tìm cách có thể thực thi được để đi tới. Bởi vì chỉ cần trễ nửa năm hay 1 năm thì công nghệ của mình lỗi thời và các công ty khác họ sẽ theo kịp”.