📞

Thế khó của Nhật Bản trước vụ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022

Trương Diệp 16:20 | 30/11/2021
Theo trang wedge.ismedia.jp ngày 29/11, chính phủ Nhật Bản đang thể hiện sự bối rối trước ý định tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 được phát đi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 vừa qua.
Nhật Bản đang lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trước vụ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. (Nguồn: Reuters)

Nhật Bản không muốn "chọn bên"

Nếu ủng hộ chủ trương tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 của Mỹ, Nhật Bản sẽ phải đối diện với tình trạng xấu đi trong quan hệ Nhật-Trung.

Nhưng nếu ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh, xung đột chính sách giữa xứ sở hoa anh đào với Washington là không thể tránh khỏi.

Vụ việc nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc tố cáo một quan chức cấp cao của chính phủ nước này ép cô quan hệ tình dục đã khiến cho Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn, nhưng phía Nhật Bản dường như lại muốn chính quyền của Tổng thống Joe Biden áp dụng một cách tiếp cận bớt căng thẳng hơn đối với Bắc Kinh.

Việc “xem xét tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 18/11, và đây không phải lần đầu người đứng đầu Nhà Trắng đề cập vấn đề này.

Đầu năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington đang tích cực đàm phán với các đồng minh để áp đặt biện pháp liên quan đến tình hình nhân quyền tại Trung Quốc.

Sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng đưa ra thông báo rằng, chính sách của Mỹ đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh là không thay đổi, và Mỹ chưa bao giờ thảo luận vấn đề này với các đồng minh.

Tháng 3 vừa qua, Mỹ cùng với Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh.

Không khó để nhận ra, Nhật Bản là thành viên G7 duy nhất không tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc này.

Khả năng “tẩy chay ngoại giao” tiếp tục được Mỹ và phương Tây đề cập sau khi các thông tin liên quan đến việc nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc Peng Shuai đột nhiên biến mất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi các bên không chính trị hóa vấn đề này, nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 19/11 đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng”, đồng thời yêu cầu các bằng chứng phải được điều tra độc lập.

Một ngày sau phát biểu của Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Tokyo xem xét các giải pháp theo lập trường riêng của nước này và cân nhắc đưa ra trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cũng khẳng định, Nhật Bản vẫn chưa có quyết định nào về vấn đề này.

Quan hệ Nhật-Trung vốn nhiều đặc thù

Nhìn lại quá khứ, Nhật Bản từng có quyết định đi ngược lại xu hướng chính sách cứng rắn của phương Tây nhằm vào Trung Quốc, điển hình là liên quan đến Sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Tài liệu mật được Bộ Ngoại giao Nhật Bản công khai năm 2020 cho thấy, chính phủ Nhật Bản khi đó đã không ủng hộ việc trừng phạt Bắc Kinh.

Văn kiện này đã nêu rõ lý do là “quan hệ Nhật-Trung có đặc thù riêng liên quan đến vấn đề lịch sử, bao gồm cả chiến tranh, không thể đánh đồng về cách nhìn nhận với Mỹ và các nước phương Tây”.

Hơn nữa, vào thời điểm đó, Nhật Bản đang thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Nhật Hoàng.

Thực tế cho thấy, mặc dù khoản vay ODA dành cho chính phủ Trung Quốc đã bị hoãn lại sau Sự kiện Thiên An Môn, nhưng sau đó đã được nối lại vào tháng 7/1990 với trị giá 810 tỷ Yen.

Đồng thời, chuyến thăm Trung Quốc của Nhật Hoàng đã diễn ra vào tháng 10/1992 với nghi lễ trọng thể nhân dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra từ ngày 4-20/2/2022. (Nguồn: Shutter Stock)

Nếu xét trên từng khía cạnh, bối cảnh quan hệ Trung-Nhật thời điểm hậu sự kiện Thiên An Môn cũng giống như bối cảnh hiện nay khi Mỹ và phương Tây đang có ý gây sức ép buộc Nhật Bản ủng hộ chủ trương “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Về thời điểm, năm 2022 cũng là năm hai nước Trung-Nhật hướng tới nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ.

Về yếu tố chính trị quan trọng khác, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đang bỏ ngỏ.

Đây là lý do Nhật Bản đặc biệt thận trọng trước các chính sách mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc.

Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố khác biệt so với cách đây 30 năm, chẳng hạn như việc Trung Quốc tỏ ra quyết đoán hơn, liên tục yêu sách chủ quyền mạnh mẽ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bên cạnh đó, sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã phát triển mạnh, không giống thời điểm năm 1989.

Nếu Nhật Bản chọn đi theo con đường riêng, phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, thì nhiều khả năng đất nước mặt trời mọc sẽ phải đối mặt với sự cô lập của quốc tế, chủ yếu là các đồng minh, đối tác quan trọng.

Thế khó của Nhật Bản

Hiện tại, Nhật Bản chưa có nhiều thông tin về sự có mặt của lãnh đạo các nước tại lễ khai mạc và bế mạc của một kỳ Thế vận hội với khái niệm “ngoại giao Olympic”.

Tại Thế vận hội Seoul 1988, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Takeshita Boboru đã tham dự và có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Tae-woo.

Cùng tham dự dịp đó có Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Điền Kỷ Vân, Thị trưởng Los Angeles, Mỹ và Bộ trưởng Thể thao Vương quốc Anh.

Ở các Thế vận hội sau, lần lượt xuất hiện các nguyên thủ của nhiều quốc gia.

Cụ thể là tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, đã có hơn 100 lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yasuo Fukuda, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush.

Điều này đã giúp vị thế của Trung Quốc gia tăng đáng kể trên trường quốc tế.

Tại Thế vận hội Sochi 2014 tại Nga, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp khi đó đã không tham dự vì lý do nước chủ nhà vi phạm nhân quyền đối với người đồng tính.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Abe Shinzo vẫn nằm trong hơn 40 lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự lễ khai mạc.

Dư luận hiện nay đang trông đợi một quyết định quan trọng đến từ chính quyền của Thủ tướng Kishida để vừa không làm đổ vỡ quan hệ Nhật-Trung, vừa duy trì được mối quan hệ với đồng minh và các đối tác phương Tây.

(theo wedge.ismedia.jp)