Hoàng tử Beckham hào hoa sang Mỹ |
1. “Gián điệp” của McLaren
Năm 2007 có thể được coi là năm trắng tay đối với đội đua Công thức I nổi tiếng, McLaren. Một “sự cố” lớn đã khiến hình ảnh đội đua này bị sứt mẻ. “Tiếng” mất, “miếng cũng rơi rụng theo. 100 triệu USD là số tiền phạt và toàn bộ số điểm cấu trúc xe bị trở về số “0” cho vụ việc gián điệp của McLaren “chôm chỉa” bí quyết của Ferrari.
Vụ bê bối này bị phát hiện khi giám đốc thiết kế của McLaren là Mike Coughlan bị lộ việc sở hữu tài liệu mật về cấu trúc xe của đội Ferrari. Danh hiệu về xe mất, các “cục cưng” của McLaren cũng chẳng mang lại danh hiệu gì. Viên ngọc đen Lewis Halmiton đã gục ngã, chức vô địch thuộc về Raikonen...
2. Hoàng tử Beckham hào hoa sang Mỹ
Sáu tháng là quãng thời gian ngồi trên băng ghế dự bị của chàng cầu thủ hào hoa David Beckham. Tuy nhiên, cùng với chức vô địch đầu tiên và duy nhất với Real Madrid, David Beckham đã tạo ra cơn sốt của giới truyền thông khi là nhân vật chính trong vụ chuyển nhượng đình đám giữa Real và đội bóng không hề nổi tiếng với trò chơi “quần đùi áo số” LA Galaxy, Mỹ. Với mức hợp đồng 1 triệu USD/tuần trong vòng 5 năm, đây có thể được coi là mẻ cá lớn của anh chàng Beck.
3. Bê bối cá độ trong giải NBA
Tháng 7/2007, cơ quan điều tra FBI đã tiến hành điều tra vụ trọng tài Tim Donaghy liên quan đến cá độ những trận đấu bóng rổ trong 2 mùa giải vừa qua của NBA. Đây được xem là vụ bê bối của làng bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Án phạt do toà án quận Brooklyn liên quan đến cá độ của Tim Donaghy là 25 năm tù nhưng khung hình có thể được giảm nhẹ khi ông đã nộp 250.000USD và chấp nhận nộp phạt thêm 30.000 USD.
4. Kỷ lục tốc độ 100m bị phá vỡ
Asafa Powell, vận động viên nước rút người Jamaica, đã tự phá kỷ lục thế giới 100 mét của mình với thời gian 9,74 giây (ít hơn 0,03 giây trước đó) tại giải đấu Rieti thuộc hệ thống Grand Prix IAAF - tổ chức tại Ý vào tháng Chín.
Sau khi phá kỷ lục do chính mình lập tại Athens vào tháng 6-2005, Powell tự tin tuyên bố anh sẽ còn có thể chạy nhanh hơn. Hồi đầu tháng 8/2007, tại giải đấu Stockhom, Thụy Điển, Powell đã tuyên bố, anh cảm thấy trong năm nay sẽ phá được kỷ lục thế giới.
5. Chấm dứt chính sách luân phiên tổ chức World Cup
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định chấm dứt chính sách luân phiên, lần lượt tổ chức các kỳ World Cup tại các châu lục trên thế giới.
Theo Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, vào năm 2011, Ủy ban điều hành của FIFA sẽ ra quyết định xem ai là chủ nhà của World Cup 2018 và những nỗ lực từ các quốc gia tham gia chạy đua giành quyền đăng cai phải được đệ trình hoàn chỉnh và chính thức trước đó ít nhất là 2 năm.
Giới hạn duy nhất cho cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 là các quốc gia đến từ châu Phi (nơi có Nam Phi tổ chức World Cup 2010) và Nam Mỹ (nơi có Brazil tổ chức World Cup 2014) sẽ không được tham gia.
6. Đội tuyển bóng đá nữ Đức bảo vệ thành công chức vô địch thế giới
Hai bàn thắng của Prinz và Laudehr đã phá tan giấc mơ lần đầu đăng quang của Brazil, đồng thời đưa Đức vào lịch sử như là ĐTQG nữ đầu tiên bảo vệ thành công vương miện World Cup.
Trước trận chung kết tại Thượng Hải, giới chuyên môn đã nghi ngờ khả năng bảo vệ chức vô địch của các cô gái Đức bởi tuyển nữ Brazil đã gây ấn tượng mạnh kể từ ngày World Cup 2007 mở màn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, với bản lĩnh thép, các học trò của HLV Silvia Neid đã đứng vững và với tỉ số 2-0, họ đã bảo vệ thành công vương miện và đi vào lịch sử là đội tuyển nữ đầu tiên giành vô địch thế giới 2 lần liên tiếp.
7. Nữ hoàng điền kinh Marion Jones gây sốc
Cả nước Mỹ cũng như làng điền kinh thế giới đã bị sốc khi tờ Washington Post số 4/10 tiết lộ Marion Jones, cựu VĐV nước rút huyền thoại của Mỹ, thừa nhận từng sử dụng doping trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Sydney 2000, giải đấu mà cô đã thành công rực rỡ khi mang về cho nước Mỹ năm huy chương (3 HCV và 2 HCĐ).
Với vụ bê bối này, Marion Jones bị tước cả năm chiếc huy chương tại Olympic Sydney 2000. Cùng với đó, án phạt năm năm tù và 250.000 USD tiền phạt cũng được đưa ra với Marion Jones với tội danh đã lừa gạt các nhân viên của Cục Điều tra liên bang Mỹ.
8. Quy tắc kiểm tra doping mới
Cơ quan phòng chống sử dụng đô-pinh thế giới (WADA) giới thiệu quy tắc kiểm tra chống đô-pinh nhằm trừng phạt nặng những đối tượng vi phạm, tuy nhiên, cũng thể hiện sự khoan hồng đối với những trường hợp vô tình sử dụng.
Theo đó, những đối tượng vi phạm lần đầu sẽ bị tăng gấp đôi thời gian cấm thi đấu từ 2 lên 4 năm. Quy tắc trên sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009.
9. Roger Federer vẫn tiếp tục giữ vị trí số một thế giới
Tay vợt người Thụy Sĩ trong năm qua tiếp tục thu về đến 8 danh hiệu vô địch đơn nam, trong đó có 3 giải quan trọng là ÚcMở Rộng, Wimbledon và Pháp Mở Rộng. Trong năm 2007, Roger Federer đã tô đậm dấu ấn của mình bằng những chiến thắng quan trọng, ngoài ra anh đã liên tiếp cho Pete Sampras nếm mùi thất bại tại ATP Tour, Kualar Lumpur và tại trận giao hữu ở Seoul, Hàn Quốc cùng trong tháng Mười Một.
Giới hâm mộ môn quần vợt cũng nói nhiều đến thành tích của R.Nadal, nhất là trận thắng Federer tại giải Pháp Mở rộng năm nay, khiến cho tay vợt người Thụy Sĩ không thể hoàn thiện “bộ sưu tập” mang tên Grand Slam. Nhiều người hâm mộ vẫn đang mong chờ cuộc hội ngộ Nadal-Federer ở trận chung kết Pháp Mở rộng năm tới.
10. Bê bối Tour de France và nỗi nhớ Lance Armstrong
Trong năm thứ hai của giai đoạn "Hậu Armstrong", giải đua xe đạp nổi tiếng nhất hành tinh đã không còn có được ánh hào quang chói lọi như các năm trước.
Đầu tiên, đó là doping. Tiếp theo, những bê bối trong nội bộ các đội đua là yếu tố thứ hai làm hỏng Tour de France 2007. Sự kiện đáng chú ý nhất chính là việc Michael Rasmussen của đội Rabobank bị chính đội đua này loại khỏi giải vì gian dối. Ngay cả người đoạt áo vàng chung cuộc Alberto Contador cũng có một quá khứ tì vết với những liên quan nhất định tới một vụ sử dụng chất bị cấm.
Thế nhưng, tác động lớn nhất khiến khán giả tỏ ra thờ ơ với Tour de France 2007 chính là nỗi nhớ Lance Armstrong. Trong 2 năm liên tiếp, không có bất cứ một tay đua nào có thể mặc vừa chiếc áo vàng mà tay đua người Mỹ đã để lại.
Việt Phạm (tổng hợp)