U22 Việt Nam giành tấm HCV lịch sử tại SEA Games 30. (Nguồn: Dân trí) |
Với những con số trên, đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu ban đầu là giành từ 65-70 HCV. Kết quả này càng đáng khen hơn khi đoàn Việt Nam đứng trên Thái Lan dù cử số lượng VĐV tham dự ít hơn. Đoàn Thái Lan xếp vị trí thứ 3 với 6 HCV ít hơn đoàn thể thao Việt Nam, xếp thứ 4 là đoàn Indonesia với 72 HCV.
Chiến thắng vang dội nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 chắc chắn là của U22 Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam giành HCV của đại hội thể thao Đông Nam Á, sau 60 năm chờ đợi tới cháy bỏng.
Tấm HCV của U22 Việt Nam sẽ còn được nhắc tới nhiều, và một lần nữa người hâm mộ phải dành những lời cảm ơn và kính nể nhất với nhà cầm quân người Hàn Quốc Park Hang-seo.
Chiến lược gia sinh năm 1959 đã dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam đi hết từ thành công này tới chiến công khác, trở thành ông Vua của bóng đá khu vực khi thâm tóm toàn bộ SEA Games và AFF Cup.
Không chỉ bóng đá nam, tấm HCV của bóng đá nữ cũng nhận được nhiều sự khen ngợi. Vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện tập luyện, ăn uống, di chuyển… bóng đá nữ Việt Nam đã vượt qua Thái Lan sau 120 phút trong trận chung kết để bảo vệ tấm HCV khu vực. Đây cũng là tấm HCV SEA Games lần thứ 6 của những cô gái Việt Nam.
Đội tuyển nữ Việt Nam lần thứ 6 giành HCV SEA Games. (Nguồn: Dân trí) |
Trong thành công của đoàn thể thao Việt Nam, hầu hết các môn thi đấu đều đã thể hiện được tinh thần chiến đấu cao nhất, ghi dấu ấn đậm nét về chuyên môn hay kỷ lục đại hội.
Điền kinh là đội giành nhiều huy chương nhất, với 16 HCV, 13 HCB và 9 HCĐ. Dù kém 1 HCV so với kỳ SEA Games trước nhưng chiến thắng của đội tuyển điền kinh cho thấy sự thuyết phục và ngoạn mục hơn. Điều quan trọng là điền kinh Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan để thống trị sân chơi Đông Nam Á.
Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV đóng góp nhiều huy chương nhất cho đoàn Việt Nam (6 HCV, 2 HCB). Số HCV mà cô giành được ngang với hai chị em Quah Ting Wen, Quah Zheng Wen (Singapore). Ánh Viên và Quah Zheng Wen đã được vinh danh trong lễ bế mạc với tư cách là 2 VĐV giành huy chương nhiều nhất đại hội.
Ánh Viên là vận động viên giành được nhiều huy chương nhất với 6 HCV và 2 HCB. (Nguồn: Dân trí) |
Ở môn bơi, ngoài Ánh Viên, rất nhiều gương mặt nổi bật khác như Hưng Nguyên, Huy Hoàng… Hưng Nguyên mới 16 tuổi nhưng bất giờ giành hai HCV 200m và 400m hỗn hợp trong lần đầu dự SEA Games. Đặc biệt, kình ngư quê Quảng Bình này còn phá kỷ lục của đàn anh Kim Sơn ở nội dung 400m với thành tích 4 phút 20,65 giây.
Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục là lá cờ đầu của Việt Nam ở những cự ly trung bình dài. Kình ngư 20 tuổi lập 2 kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400m và 1500m tự do. Thành tích ở cự ly 1500 mét (14 phút 58,14 giây) đạt chuẩn A Olympic 2020 giúp anh giành vé tranh tài nội dung này ở Tokyo.
Ngoài điền kinh, bơi lội, Việt Nam còn ghi dấu ấn ở nhiều môn Olympic khác như cử tạ (4 HCV), thể dục dụng cụ, đấu kiếm, các môn võ… Ngay cả những môn có sự cạnh tranh khó như bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn... cũng thi đấu rất thành công.
Bóng bàn duy trì thành tích HCV đôi nam. Bóng rổ nam thành công với tấm HCĐ lịch sử. Bóng chuyền cũng có những tiến bộ ở đội tuyển nữ với tấm HCB.
Trong hai năm, bóng rổ Việt Nam lột xác ngoạn ngục để chinh phục tấm HCĐ lịch sử. |
Những thành công đó giúp chúng ta có niềm tin hơn vào con đường đầu tư mạnh mẽ trong tương lai. Theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, sau thành công ở SEA Games 30, thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới sân chơi Olympic trong năm tới, và xa hơn là kỳ SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Việt Nam sẽ đầu tư mạnh cho các môn Olympic, và khả năng cắt giảm nhiều nội dung “ao làng” của SEA Games, dù có thể bị nhiều quốc gia phản đối.
Bên cạnh thành công, thể thao Việt thao Việt Nam cũng phải nhìn lại ở những thất bại để rút ra bài học. Cờ vua với nhiều VĐV đẳng cấp tầm châu lục, thậm chí thế giới, đã không thể giành được tấm HCV nào. Bên cạnh đó, một số môn ở đua thuyền, bắn súng… cũng cho thấy rõ sự thiếu hụt về lực lượng, qua đó không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.