Tổng thống Pháp Macron khẳng định "không được phép chính trị hóa Olympic". (Nguồn: Getty Images) |
Tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, châu Âu cần tìm ra một phản ứng chung với vấn đề "tẩy chay ngoại giao" Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 (Olympic Bắc kinh 2022). Quan điểm của bà Baerbock nhận được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, ông mong muốn phối hợp với Ủy ban Olympic Quốc tế nhằm bảo vệ các vận động viên trên toàn thế giới, thay vì dính líu tới những quyết định tẩy chay mang tính tượng trưng.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Tổng thống Macron nêu rõ: “Chúng ta không được phép chính trị hóa Olympic. Tôi thích được làm những việc có kết quả hữu ích hơn”.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer tuyên bố nước này sẽ không tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và cho rằng: "Thể thao là một thế giới phải được bảo vệ tránh khỏi sự can thiệp chính trị, nếu không... sẽ giết chết sự cạnh tranh".
Chính phủ Argentina cũng xác nhận sự ủng hộ đối với sự kiện Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Argentina nêu rõ, quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước đầu tiên ủng hộ Trung Quốc tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Về phía Liên hợp quốc, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký Antonio Guterres xác nhận, ông Gutterres sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, bất chấp Mỹ và một số quốc gia phương Tây tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với sự kiện này.
Ông Dujarric nêu rõ: “Tổng Thư ký đã nhận được thư mời của Ủy ban Olympic Quốc tế tới dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh và ông đã chấp nhận lời mời này”.
Trước đó, Mỹ, Australia và Anh nằm trong số các quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ không cử các quan chức đến dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 nhằm gửi tới Trung Quốc thông điệp liên quan đến hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.