📞

Thêm một mùa đông khắc nghiệt ở Mông Cổ

21:28 | 27/12/2016
Nhiệt độ xuống rất thấp và tuyết rơi dày đe dọa ngành chăn nuôi ở đất nước của những thảo nguyên rộng lớn này.

Đó một vấn đề lớn không chỉ đối với hàng ngàn người chăn nuôi ở Mông Cổ mà còn là một thảm họa cho nền kinh tế của quốc gia châu Á này.

Thảm họa dzud

Những người du mục truyền thống của Mông Cổ đang phải đối mặt với một thảm họa tự nhiên do nhiệt độ âm và tuyết rơi dày gây chết gia súc trên diện rộng (thường được gọi là thảm họa dzud), đe dọa sinh kế của người chăn nuôi.

Mông Cổ đang trải qua một mùa đông khắc nghiệt bất thường với nhiệt độ âm 56 độ C có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các nhóm cứu trợ cảnh báo điều kiện khí hậu ở quốc gia này tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn.

Hiện Mông Cổ đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng khi đồng Tugrik mất giá nhanh chóng, điều khiến cho hàng gia dụng trở nên đắt đỏ hơn.

Chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ. (Nguồn: DW)

Mặc dù quan chức Chính phủ Mông Cổ vẫn chưa tuyên bố thảm họa dzud nhưng điều kiện hiện nay có thể được coi là một thảm họa tự nhiên, ông Lamjav Oyunjargal, một thành viên của Viện Nghiên cứu Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Mông Cổ cho biết.

"Có thể thấy điều kiện khí hậu ở Mông Cổ hiện nay rất tồi tệ, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi vì đó là nguồn thu nhập chính của người chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ. Khí hậu khắc nghiệt cũng nguy hiểm đối với con người," Oyunjargal nói.

Dulaamsuren, một nhân viên làm việc tại Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia ở tỉnh Bulgan, phía Bắc Mông Cổ, cho biết hơn 3.000 người chăn nuôi ở địa phương không có đủ nguồn cung thức ăn để dự trữ cho mùa Đông. "Chúng tôi có đủ cỏ khô cho đến tháng Hai hoặc tháng Ba nhưng chúng tôi thực sự cần phải tích trữ nhiều hơn" ông nói. Ông Dulaamsuren nói thêm rằng khu vực này hiện tuyết rơi dày khoảng 40cm, dày hơn bốn lần so với mức bình thường.

Thảm họa dzud năm 2009-2010, một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khiến tổng cộng 9,7 triệu gia súc chết. Có đến 1,1 triệu gia súc chết mùa đông năm ngoái.

Hệ lụy môi trường

Năm nay, mùa Đông đã bắt đầu ở Mông Cổ. Vào tháng 11, nhiệt độ đã ở mức khoảng âm 47 độ C. Đến tháng 12, khoảng 70% đất nước đã phải hứng chịu tuyết rơi. Ông Oyunjargal cho biết phía Đông và phía Bắc của đất nước, một khu vực có diện tích tương đương Ai Cập, dễ bị tổn thương nhất.

Mông Cổ là một trong những quốc gia thưa thớt dân cư nhất trên thế giới. Các cơn bão tuyết lạnh và khắc nghiệt là một thách thức lớn cho người chăn nuôi đi lại giữa các địa phương khác nhau.

Những căn lều tạm ở ngoại ô thủ đô Mông Cổ. (Nguồn: DW)

Do điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Ulaanbaatar đã làm việc với các tổ chức quốc tế để yêu cần có sự hỗ trợ đối với người chăn nuôi. Chính phủ đã dự trữ cỏ khô và thức ăn gia súc để phân phối cho những vùng miền bị ảnh hưởng nặng nhưng vẫn không thể đủ cho tất cả mọi người chăn nuôi.

Các nhóm hoạt động môi trường cho biết thảm họa dzud trở nên thường xuyên hơn ở Mông Cổ. Điều này dẫn đến nhiều người chăn nuôi đã từ bỏ các thảo nguyên để di cư về thủ đô, sống ở các căn lều tạm được dựng lên ở ven đô Ulaanbaatar. Tuy nhiên, việc các cư dân không được kết nối với hệ thống sưởi ấm của thành phố buộc họ phải đốt than đá và các vật liệu khác, bao gồm cả lốp hoặc chất thải khác của các hộ gia đình, để giữ ấm. Bên cạnh đó, do nhiệt độ xuống thấp, các nhà máy điện của Mông Cổ đều ở trong tình trạng quá tải. Những điều này gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ở thủ đô của Mông Cổ.

Theo số liệu chính thức mới được công bố, chỉ số chất lượng không khí tại các vùng phía Bắc của Ulaanbaatar hiện đang ở mức báo động.

Theo Bloomberg, chỉ số PM ,5 2đo mật độ của những hạt trôi nổi trong không khí có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Theo các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng có thể bị con người hít vào khi thở, bám vào phổi. Nếu chỉ số PM 2,5 càng cao thì ô nhiễm không khí ở nơi đó càng nghiêm trọng.

Theo số liệu của Chính phủ Mông Cổ, hôm 16/12, có lúc chỉ số PM 2,5 tại thủ đô nước này đã đạt đỉnh 1.985 microgram/m3. Tuần trước, chỉ số PM 2,5 của quận Bayankhoshuu ở phía Đông Ulaanbaatar đạt đến một mức nguy hiểm 1.854, với nồng độ của các hạt trong không khí thở ở mức 927 microgram/m3. Chỉ số PM 2,5 ở mức an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10 microgram.

(theo DW, Bloomberg)