Một loạt nước phương Tây thành lập liên minh máy bay chiến đấu do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu để cung cấp cho Ukraine các tiêm kích F-16 cũng như đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu sau khi tham vấn với những quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Hanke Bruins Slot nói: “F-16 do Mỹ sản xuất và do đó Mỹ có tiếng nói trong một số quyết định. Tuy nhiên, họ đã trì hoãn việc giao F-16 cho Ukraine trong một thời gian dài. Trong khi đó, những hạn chế về nơi Ukraine có thể sử dụng chưa bao giờ được thảo luận".
Theo các ý kiến, tuyên bố trên của Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hà Lan mâu thuẫn với các báo cáo trước đó rằng quyết định cuối cùng cần Washington phê duyệt.
Cùng ngày, Bỉ cũng xác nhận rằng Mỹ chưa đặt ra bất cứ giới hạn nào trong phạm vi hoạt động của các máy bay tiêm kích cung cấp cho Kiev.
Trước đó, ngày 30/5, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen tuyên bố, Ukraine sẽ được phép sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do quốc gia thành viên NATO này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Một loạt nước phương Tây đã thành lập liên minh máy bay chiến đấu do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu để cung cấp cho Kiev các tiêm kích F-16 cũng như đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ coi việc các thành viên NATO cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một tín hiệu hành động trong lĩnh vực hạt nhân của liên minh quân sự này.
Ngoại trưởng Lavrov nói: "Máy bay chiến đấu F-16 từ lâu đã là phương tiện vận chuyển chính trong khuôn khổ cái gọi là sứ mệnh hạt nhân chung của NATO. Vì vậy, chúng tôi không thể không coi việc cung cấp các hệ thống này cho Ukraine là một hành động báo hiệu có chủ ý của khối này trong lĩnh vực hạt nhân. Họ đang cố gắng nói rõ với chúng tôi rằng Mỹ và liên minh đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì ở Ukraine".
Ông nhấn mạnh, việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 này sẽ không thể làm thay đổi tình hình chiến trường Ukraine dưới bất cứ hình thức nào.
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của nước này và Belarus sẽ khiến các đối thủ phương Tây hiểu rõ về hậu quả của việc leo thang.
Khi một số quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican đã cảnh báo rằng, những động thái như vậy sẽ đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong xung đột ở Ukraine và thể hiện một viễn cảnh “đáng lo ngại”.
Ngày 1/6, Crux đưa tin, phát biểu với các nhà báo bên lề buổi giới thiệu sách ở Milan, Đức Hồng Y Parolin, nói: “Tôi nghĩ điều đó có liên quan đến mọi người quan tâm tới số phận thế giới của chúng ta. Nó có thể dẫn đến sự leo thang mà không ai có thể kiểm soát được, đó là một viễn cảnh đáng lo ngại”.