📞

Thêm một thành viên rút khỏi hiệp ước năng lượng 'lỗi thời' ký năm 1994

Hải An 09:04 | 12/11/2022
Ngày 11/11, Đức “theo chân” Pháp và Hà Lan rút khỏi hiệp ước năng lượng ký năm 1994 mà những người chỉ trích cho rằng nó bảo vệ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
ECT hình thành như một cách để bảo vệ đầu tư vào năng lượng, đặc biệt là ở Trung Á, Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây. (Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters)

Thư ký tại Quốc hội của Bộ Kinh tế Đức Franziska Brantner cho biết: “Chúng tôi luôn điều chỉnh chính sách thương mại của mình theo hướng bảo vệ khí hậu và theo đó đang rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng (ECT). Đây cũng là một tín hiệu quan trọng gửi tới hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc”.

Pháp và Hà Lan đã rút khỏi hiệp ước này trong những tuần gần đây vì cho rằng nó không phù hợp với Hiệp định khí hậu Paris nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu.

ECT hình thành như một cách để bảo vệ đầu tư vào năng lượng, đặc biệt là ở Trung Á, Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây.

Một yếu tố chính trong Hiệp ước này là cho phép các công ty năng lượng kiện chính phủ về những thay đổi trong chính sách năng lượng có thể làm tổn hại tới các khoản đầu tư của họ khiến các nhà nước phải bồi thường hàng tỷ USD.

Trước đó, ngày 24/6, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận để cải cách ECT.

Theo đó, các khoản đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch mới sẽ không còn được bảo vệ hợp pháp trên các lãnh thổ của EU và Anh.

Các nhóm hoạt động môi trường và một số nước EU như Tây Ban Nha đã lên tiếng chỉ trích ECT vì vi phạm các mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris bằng cách đưa ra biện pháp bảo vệ hợp pháp đối với các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đang tàn phá khí hậu.

Điều này đã được Ủy ban châu Âu thừa nhận, gọi đây là hiệp ước “lỗi thời” và bắt đầu đàm phán cải cách hiệp ước này thay mặt cho 27 quốc gia thành viên EU từ 4 năm trước.

Vào năm 2019, các quốc gia thành viên khẳng định “quyền điều chỉnh” của EU trong khuôn khổ các cuộc đàm phán cải cách ECT và kêu gọi hiệp ước hiện đại hóa để phản ánh các mục tiêu về khí hậu và năng lượng sạch của khối.

Những mục tiêu đó đã được đáp ứng một phần trong thỏa thuận được công bố ngày 24/6 giữa EU và Anh.

(theo AFP)