Vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA có khả năng bảo vệ trước các biến thể, đặc biệt là biến thể Delta. (Nguồn: PTI) |
Mới đây, nhóm tác giả từ Trường Đại học Yale (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu mới trên tạp chí Nature, theo đó, các vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer-BioNTech có tác dụng bảo vệ chống lại một số biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta, chủng mới rất dễ lây lan.
Kết quả nghiên cứu đã xua tan lo lắng khi xuất hiện các ca "nhiễm trùng đột phá" (trường hợp nhiễm virus sau khi tiêm chủng), điều làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bảo vệ của vaccine trước các biến thể mới xuất hiện.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia thu thập mẫu máu của 40 nhân viên y tế trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, trước khi tiêm chủng.
Những tuần tiếp theo, nhóm lại thu thập tiếp các mẫu máu sau khi các nhân viên y tế tình nguyện này tiêm liều thứ nhất và thứ hai vaccine Covid-19 của Moderna hoặc Pfizer-BioNTech.
Sau đó, các mẫu máu được tiếp xúc với 16 biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta - chủng phổ biến nhất ở Mỹ và trên thế giới hiện nay.
Kết quả là máu được thu thập sau khi tiêm chủng cho thấy có phản ứng miễn dịch được tăng cường, tuy nhiên, phản ứng miễn dịch này khác nhau tùy theo từng biến thể virus và từng cá nhân tham gia nghiên cứu. Nhìn chung, mẫu máu của những người tham gia có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với biến thể Delta hơn so với các biến thể khác, thậm chí còn mạnh hơn sau lần tiêm thứ hai.
Akiko Iwasaki, Giáo sư Sinh học miễn dịch tại Đại học Yale, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay, các mũi tiêm đã tạo ra lượng kháng thể cao chống lại Delta và hầu hết các biến thể khác. Mẫu máu của người tiêm đủ hai mũi tốt hơn chỉ tiêm một mũi.
Theo Giáo sư Iwasaki, những người bị "nhiễm trùng đột phá" do biến thể Delta không phải là sự thất bại của vaccine, mà đó là do khả năng lây nhiễm cực cao của biến thể, có thể lấn át khả năng phòng vệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, phản ứng miễn dịch xuất hiện mạnh mẽ hơn ở những người được tiêm phòng sau khi nhiễm Covid-19 so với người chưa bao giờ bị nhiễm.
Giáo sư Iwasaki giải thích rằng, việc hồi phục sau lần nhiễm trùng ban đầu giống như việc tiêm liều vaccine đầu tiên. Tiêm nhắc lại có thể có tác dụng tương tự, làm tăng cường mức độ kháng thể và tế bào T bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Phát hiện này tương đồng với những phát hiện từ các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học về khả năng có miễn dịch cao thu được ở những người đã từng mắc Covid-19 khỏi bệnh sau đó được tiêm chủng. Các nhà khoa học gọi đó là “miễn dịch lai”.
| Vì sao số ca Covid-19 ở Nhật giảm nhanh đến khó tin? Kết quả đáng khích lệ của Nhật có thể do tác dụng của việc tiêm chủng vaccine Covid-19 và sự thay đổi hành vi của ... |
| Phát hiện mới, bất ngờ về cách sản sinh kháng thể của 3 loại vaccine Covid-19 Cả ba vaccine Covid-19 Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson (J&J) đều cho thấy dấu hiệu miễn dịch mạnh mẽ 8 tháng sau khi người ... |