📞

Thêm những chiến sỹ 'mũ nồi xanh' làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Thu Hiền 15:18 | 26/10/2020
TGVN. Việt Nam đang đáp lại lời đề nghị của Liên hợp quốc cử thêm lực lượng tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đã có thêm 3 sĩ quan chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ và tới đây sẽ có thêm các chiến sỹ thuộc lực lượng công binh, công an tham gia vào lực lượng “mũ nồi xanh”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao Quyết định của Chủ tịch nước cho các sỹ quan chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ ngày 22/10. (Nguồn: mod.gov.vn)

3 sĩ quan chuẩn bị tới Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi

Vừa qua, sáng 22/10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 3 sĩ quan chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) thừa ủy quyền của Chủ tịch nước chủ trì buổi Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ.

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam báo cáo về kết quả công tác chuẩn bị cho 3 đồng chí triển khai thay thế, đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ GGHB LHQ trong đợt cuối năm 2020; Đại diện Cục Quân y quán triệt một số hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các phái bộ.

Theo quyết định, làm việc tại Phái bộ GGHB LHQ Nam Sudan có Trung tá Nguyễn Bá Hưng, Quan sát viên quân sự; Trung tá Lý Thanh Tâm, Quan sát viên quân sự; Thiếu tá Đào Duy Tùng, Sĩ quan tham mưu phân tích thông tin tình báo làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ GGHB LHQ Cộng hòa Trung Phi. Trước khi lên đường, các đồng chí đã được huấn luyện tiền triển khai và tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19. Trong 3 đồng chí chuẩn bị lên đường công tác lần này có đồng chí Lý Thanh Tâm và đồng chí Đào Duy Tùng là nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện nhiệm vụ ở phái bộ.

Ngày 6/10, LHQ đã có thông báo về việc Trung tá Trần Đức Hưởng, đã xuất sắc trúng tuyển vào vị trí Sĩ quan kế hoạch/Phòng Xây dựng lực lượng GGHB của Liên hợp quốc và sẽ có thông báo chính thức về việc triệu tập sỹ quan Việt Nam tới New York, Hoa Kỳ nhận nhiệm vụ.

Tất cả lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB LHQ đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được LHQ đánh giá cao, góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nói chung, hoạt động GGHB LHQ nói riêng.

Sau hơn 5 năm chính thức tham gia lực lượng GGHB LHQ, đến nay Chủ tịch nước đã ra quyết định cử 53 cán bộ sĩ quan Quân đội đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ ở hình thức cá nhân tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 4 nữ sĩ quan; và 126 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) và số 2 (BVDC2.2) đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Nam Sudan, trong đó có 20 nữ quân nhân.

Liên hợp quốc đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (quân số khoảng 320 người).

Công an sẽ tham gia lực lượng GGHB

Chiều 24/10, Quốc hội cũng đã thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, Việt Nam đã chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014 nhưng đến nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ.

Trong khi đó, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này. Vì vậy, dự thảo nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia GGHB LHQ là nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động theo đúng quy định.

Mặt khác, hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc luôn ở trong môi trường, điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động GGHB LHQ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của LHQ.

Thảo luận tại hội trường và qua hình thức trực tuyến, hầu hết các ý kiến đại biểu đều đồng tình cơ bản với các nội dung trong Nghị quyết và tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.

Bên cạnh đó, nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của lực lượng Công an nhân dân.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như: đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai; thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc…

Trong thời gian tới, dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý và phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc từ năm 2021.