Quan hệ Mỹ-Trung có một số dấu hiệu ấm lên trong thời gian qua. Trong ảnh: Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/10 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters) |
Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của các nhà lập pháp Mỹ kể từ năm 2019 diễn ra trong lúc Quốc hội xứ cờ hoa chứng kiến làn sóng công kích nhằm vào Trung Quốc. Ngày 6/10, chỉ vài giờ trước khi phái đoàn đặt chân tới Thượng Hải, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ. Ngày 7/10 đánh dấu tròn 1 năm Washington quyết định nâng cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn với Bắc Kinh.
Sự hiện diện của các nhà lập pháp Mỹ tại Bắc Kinh tiếp nối mạch chuyến thăm của nhiều quan chức cấp cao xứ cờ hoa tới Trung Quốc trong những tháng qua. Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu John Kerry đều đã thăm Trung Quốc, gặp gỡ những người đồng cấp của mình.
Tin liên quan |
Phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ đột ngột hủy chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc |
Khi đó, chuyến thăm thể hiện mong muốn của Quốc hội Mỹ nhằm duy trì kết nối này. Phái đoàn này gồm 6 Thượng nghị sĩ (3 người đảng Dân chủ và 3 người đảng Cộng hòa) do ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện dẫn đầu.
Theo Khmer Times (Campuchia), Quốc hội Mỹ là cơ quan có lập trường chống Trung Quốc hàng đầu. Song phái đoàn này không bao gồm những người có quan điểm cứng rắn nhất như ông Marco Rubio và Tom Cotton, dù ông Schumer đã từng đề xuất dự luật “Cạnh tranh Trung Quốc 2.0”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, trong điểm dừng chân đầu tiên ở Thượng Hải, phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ đã gặp Bí thư Thành ủy Trần Cát Ninh.
Sau đó, các nhà lập pháp Mỹ đã tới Bắc Kinh và có các cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Nhượng bộ trên sân nhà?
Một điểm nhấn trong các cuộc trao đổi này đến từ việc giới chức Trung Quốc cho thấy sự nhượng bộ hiếm thấy ngay trên sân nhà.
Cụ thể, gặp gỡ Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc khiến khủng hoảng fentanyl tại Mỹ trầm trọng hơn. Thậm chí, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng chủ nhà Vương Nghị, ông đã chỉ trích tuyên bố của Bắc Kinh về xung đột giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, phát biểu trong họp báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết Bắc Kinh đã “đính chính” tuyên bố ban đầu, khiến ông thấy “được an ủi”. Ông Schumer nêu rõ: “Một nhóm người chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng với Iran. Theo chúng tôi, họ có ảnh hưởng với Iran theo nhiều cách khác nhau và chúng tôi đã yêu cầu họ làm mọi thứ để Iran không lan truyền đám cháy này”.
Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ trong buổi gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 9/10 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters) |
“1.000 lý do” để cải thiện quan hệ
Điểm nhấn khác đến từ phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiếp đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ ngày 9/10, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Cách Trung Quốc và Mỹ hòa hợp với nhau khi đối mặt với một thế giới đầy biến động và hỗn loạn sẽ quyết định tương lai và vận mệnh của nhân loại. Tôi đã nói nhiều lần, cả với một số tổng thống, rằng chúng ta có 1.000 lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, nhưng không có lý do nào để hủy hoại chúng”. Theo Chủ tịch Trung Quốc, quan hệ này là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới”.
Đáp lại, ông Schumer cho rằng “các quốc gia của chúng ta sẽ cùng nhau định hình thế kỷ này”. Thượng nghị sĩ Mỹ nêu rõ: “Đó là lý do chúng ta phải quản lý mối quan hệ của mình một cách có trách nhiệm và tôn trọng”.
Ông Schumer cũng tiết lộ cuộc gặp với ông Tập kéo dài 80 phút, gấp đôi thời gian quy định. Theo Thượng nghị sĩ Mỹ, điều này nhấn mạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự chi tiết của đối thoại: “Cả hai bên, người Trung Quốc và chúng tôi, đều nói rằng chỉ khi trò chuyện chân thành về những khác biệt của mình và không đưa ra bất kỳ sự công kích nào, Mỹ và Trung Quốc mới có thể tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề song phương hiện nay”.
Khi cạnh tranh là “tự nhiên”
Điểm nhấn cuối đến từ cuộc gặp với ông Vương Nghị và ông Triệu Lạc Tế.
Ngày 9/10, tiếp các Thượng nghị sĩ Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hy vọng chuyến thăm sẽ giúp hai bên “quản lý những khác biệt hiện có một cách hợp lý hơn, giúp mối quan hệ giữa hai nước trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh”; Mỹ sẽ “hiểu chính xác hơn về Trung Quốc”.
Theo nhà ngoại giao này, trong bối cảnh thế giới trải qua “thời kỳ thay đổi hỗn loạn”, đặc biệt tình hình ở Ukraine và Israel cùng dải Gaza, “Trung Quốc và Mỹ nên đóng vai trò xứng đáng của mình”.
Trong khi đó, phát biểu khi gặp ông Triệu Lạc Tế cùng ngày, ông Chuck Schumer đã nêu rõ: “Là hai cường quốc, việc chúng ta thấy mình cạnh tranh trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, ngoại giao... là một điều tự nhiên… Chúng tôi hoan nghênh cuộc cạnh tranh này. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột”.
“Tôi đã nói nhiều lần, cả với một số tổng thống (Mỹ), rằng chúng ta có 1.000 lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, nhưng không có lý do nào để hủy hoại chúng”. (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi tiếp đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ tại Bắc Kinh ngày 9/10) |
Sự nhượng bộ của Bắc Kinh, phát biểu mong muốn cải thiện quan hệ của ông Tập, thời gian trao đổi kéo dài, cùng tuyên bố “hoan nghênh cuộc cạnh tranh” Mỹ-Trung của ông Chuck Schumer rõ ràng là tín hiệu tích cực.
Nhận định về các cuộc gặp này, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, coi đây là một “bước tiến”: “Tôi cảm thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp. Họ đã sẵn sàng thảo luận chi tiết. Cả hai bên đều có động lực nhất định và tôi nghĩ có một sự cam kết để mở rộng những cuộc đối thoại đó”.
Tháng 11 có thể là thời điểm như vậy. Ngày 6/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông có thể hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ). Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ thăm Washington.
Khi ấy, các hoạt động này có thể là dịp để Mỹ và Trung Quốc tiếp nối tín hiệu tích cực từ chuyến thăm vừa qua.
| 'Chung tay' với Mỹ, EU dự định làm điều này với Trung Quốc Liên minh châu Âu (EU) dự định sẽ công bố tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp với các nhà sản xuất thép ... |
| Kinh tế thế giới: Lại dấy lên hy vọng phục hồi những tháng cuối năm Các thị trường đang nổi lên của thế giới vừa trải qua một quý đầy thử thách, nhưng những dấu hiệu chưa chính thức cho ... |
| Mỹ ‘nhờ cậy’ Trung Quốc một điều liên quan Triều Tiên Ngày 2/10, Mỹ kêu gọi Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng để khuyến khích Triều Tiên thực hiện các bước đi giảm căng thẳng và ... |
| Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tháng 11 tới? Hãng tin Reuters ngày 6/10 dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập ... |
| Thăm Trung Quốc, nghị sĩ Mỹ nói Washington mong muốn cách tiếp cận ‘có đi có lại’ cho doanh nghiệp Ngày 7/10, trong chuyến công du tới Trung Quốc, lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã có cuộc gặp với ông Chen ... |