Theo Zukas, mỗi thị trấn, thành phố hay địa phương nào đó đều có những giá trị riêng. Những điểm đến nổi bật được ưa chuộng là có lý do, nhưng sự nổi tiếng kéo theo là lượng khách du lịch quá mức, đám đông, tiếng ồn và sự chờ đợi mệt mỏi.
"May mắn thay, có những lựa chọn thay thế khả thi cho các điểm nóng du lịch của Việt Nam. Đối với những ai muốn thoát khỏi những đám đông hơn là săn lùng những điểm nổi bật", tác giả Zukas nói.
Mù Cang Chải. (Nguồn: iStock) |
1. Vùng nông thôn miền Bắc
Sa Pa đã có một bề dày phát triển du lịch. Nổi tiếng là vùng đất tránh nóng ở miền Bắc từ thời Pháp thuộc, Sapa giờ đây cách Hà Nội sáu giờ đi xe và phổ biến với nhiều du khách. Tuy nhiên, trung tâm thị trấn này rất đông đúc.
Trái lại, nhiều điểm đến khác xung quanh Sa Pa lại vẫn giữ được vẻ hoang sơ và yên bình. Zukas gợi ý một số cái tên tiêu biểu nằm ẩn mình trong vùng núi phía Bắc bao la của Việt Nam mà du khách có thể khám phá như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Mù Cang Chải, Hà Giang và Vườn quốc gia Ba Bể.
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. (Nguồn: Đại đoàn kết) |
2. Hải Phòng
Vịnh Hạ Long, cách Hà Nội ba giờ đi xe, là điểm đến nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ninh. Điểm nóng này có tất cả những đặc điểm nổi bật của một địa điểm du lịch hàng đầu như: nhiều truyền thuyết ly kỳ, khung cảnh đẹp như tranh vẽ, ẩm thực địa phương hấp dẫn và các chuyến du ngoạn trên biển giá cả phải chăng.
Nhưng đôi khi, số lượng du khách đổ tới đây dường như quá đông. Năm 2016, có 8,3 triệu lượt khách du lịch đến thăm Quảng Ninh. Đến năm 2019, một năm trước đại dịch Covid-19, con số đó đã tăng lên 14 triệu người.
Trong khi đó, vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà ở tỉnh Hải Phòng có phong cảnh tương tự, nhưng lại có ít tàu du lịch hơn. Đồng thời các hoạt động du lịch cũng đã được triển khai nhiều hơn trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, tới đảo Cát Bà, du khách có thể tham gia các hoạt động dưới nước như chèo thuyền kayak hay bơi lội cũng như các hoạt động trên cạn như leo núi và đi bộ đường dài.
Cửa Ngọ Môn, Huế. (Ảnh: Lê Đình Hoàng) |
3. Huế
Đi ngang qua khu phố cổ đầy đèn lồng của Hội An, địa điểm du lịch văn hóa của miền Trung Việt Nam, có thể khiến nhiều người choáng ngợp vì lượng khách đổ tới đây. Tình trạng quá tải thậm chí còn khiến chính quyền địa phương phải đề xuất phương án thu phí vào phố cổ gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.
Trong khi cố đô Huế, một thành phố di sản khác, cách Hội An 123km về phía Bắc, dường như tĩnh mịch hơn. Phía bắc sông Hương là rải rác những cung điện, chùa chiền và đền thờ, mang đậm tính lịch sử.
Quy Nhơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: HTG) |
4. Quy Nhơn
Là thành phố lớn nhất miền Trung Việt Nam với hơn một triệu dân, Đà Nẵng có bãi biển ngay trong thành phố, có thể cạnh tranh với nhiều thành phố biển khác trên thế giới như Miami (Mỹ) hay Rio de Janeiro (Brazil) và Barcelona (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, việc tìm một nơi yên tĩnh bên bờ biển, đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ hay những tháng hè đầy nắng, có thể là một thách thức lớn.
May mắn thay, vị trí địa lý giáp biển của miền Trung Việt Nam đã và đang ươm mầm cho một số bãi biển đô thị khác ít được biết đến hơn.
Phía Nam Đà Nẵng là Quy Nhơn, một thành phố biển sạch sẽ và yên tĩnh được bao quanh bởi những ngôi tháp Chăm hàng trăm năm tuổi và những làng chài như mê cung. Phía Bắc Đà Nẵng là Đồng Hới, một thành phố biển yên bình khác và gần những hang động độc nhất vô nhị của vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Bãi Nhát, một trong 5 bãi biển đẹp nhất Côn Đảo. (Nguồn: Forbes) |
5. Côn Đảo
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất đất nước, từng được mệnh danh là Phuket hay Bali. Ở đây có không ít những công trường xây dựng bị bỏ hoang, những khách sạn chưa hoàn thiện.
Côn Đảo, cũng là một hòn đảo ở miền Nam Việt Nam, nhưng có ít du khách hơn. Theo đó, hòn đảo này dường như đã rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm của các điểm đến khác bằng cách hạn chế xây dựng, quản lý lượng khách du lịch và ban hành các chính sách bảo vệ môi trường.