Đoàn Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại New Delhi trong Hành trình “Theo dấu chân Bác”. |
Dấu ấn New Delhi
Khi vừa đặt chân tới Delhi năm 1958, Bác đã đến Đài tưởng niệm Mahathma Gandhi - vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Khi một nhà báo Mỹ hỏi Bác: “Ông tự so sánh mình như thế nào với Gandhi” Bác Hồ đã trả lời rất nhanh và dứt khoát: “Tôi chỉ là học trò của Gandhi”. Tại Red Fort, quần thể pháo đài được xây dựng từ những khối sa thạch đỏ, một biểu tượng chủ quyền quốc gia của Ấn Độ, Bác đã nói chuyện với người dân Delhi. Mọi người hôm đó đã được tận mắt nhìn thấy đôi dép cao su của Người.
Đến Tòa tháp Qutab Minar, một tòa tháp bằng sa thạch đỏ và cẩm thạch cao nhất thế giới với 72,5m, được xây dựng năm 1193, trong đó có một cột thép 6 tấn, cao 7m, làm bằng thép từ thế kỉ thứ 4. Cột thép nổi tiếng vẫn để lại cho nhiều nhà khảo cổ học và luyện kim trên thế giới nhiều câu hỏi bí hiểm về tài nghệ của người Ấn Độ cổ. Tại đây, Bác đã leo 379 bậc cầu thang lên tận ngọn tháp ngắm toàn cảnh thành phố Delhi từ trên cao và vẫy tay chào người dân thành phố. Cũng trong chuyến thăm đó, Bác đã ghé thăm Nhà số 62 đường Golf Link, nơi đặt Tổng Lãnh sự quán đầu tiên của Việt Nam tại Ấn Độ. Tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam tại Ấn Độ chính là Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Đến Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ, nơi cố Thủ tướng Nehru thường xuyên lui tới để tham vấn các học giả về các vấn đề quốc tế, Bác đã phát biểu trước 700 nhân sĩ, trí thức Ấn Độ và nước ngoài.
Kolkata - ký ức không phai mờ
Người dân Kolkata thường tự hào là thành phố đầu tiên trên thế giới có cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam, thành phố đầu tiên trên thế giới có đường Hồ Chí Minh, thành phố đầu tiên trên thế giới dựng tượng Bác Hồ. Năm 1946, Bác đã đến thăm Nhà số 8E, ngõ Dacres, một ngõ cụt nơi đặt Trụ sở của Đảng cộng sản Ấn Độ. Tại đây, Người đã gặp gỡ và trao đổi với các nhà Lãnh đạo của Đảng như đồng chí Somnath Lahiri, Jyoti Basu… và nhiều người khác. Ở Kolkata, Đoàn cán bộ Sứ quán may mắn tìm gặp lại được một số nhân chứng từng có dịp gặp Người. Bà Vidya Munshi, 92 tuổi, một nhà báo, nhà văn nổi tiếng, người đã theo sát chuyến thăm của Bác tháng 2/1958, viết bài và đưa với tư cách là phóng viên tờ Tuần tin Ấn Độ ‘BLITZ’. Ông Sunil Munshi, chồng bà là một nhà khoa học, đảng viên lão thành CPI (89 tuổi), nói, “Tôi còn nhớ, năm 1946 khi đến Trụ sở Đảng CPI ở Ngõ Dacres, Hồ Chí Minh đã hỏi: “Sao các bạn lại đặt trụ sở ở đây, nhỡ bị cảnh sát truy bắt thì các bạn khó tìm đường thoát?”. Chúng tôi nói, vâng, đúng vậy, nhưng chúng tôi chẳng tìm được chỗ nào khác. Điều đồng chí nói là rất đúng: nếu bọn cảnh sát mà tới thì chúng tôi khó có đường thoát!”
Tại Tòa thị chính Kolkata, Ông Thị trưởng Bikash Ranjan Bhattacharya tận tình dẫn Đoàn thăm lại căn phòng nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ dân chúng với Bác năm 1958. Ông chỉ dãy bàn chủ tọa nơi Bác từng ngồi và đùa: bây giờ các bạn có thể ngồi chỗ đó và chụp ảnh đấy! Đến Dinh Thống đốc, nơi Bác Hồ đã nghỉ lại trong thời gian thăm Kolkata, có một câu chuyện cảm động mà chúng tôi được nghe kể lại: một sáng sớm, đội bảo vệ và các thành viên trong đoàn lo lắng tỏa ra đi tìm khắp nơi vì bỗng dưng không thấy Bác đâu cả. Họ đã rất ngạc nhiên khi thấy Người đang ung dung hút thuốc vừa trò chuyện thân mật với người làm vườn. Hình ảnh một vĩ lãnh tụ quần áo vải thô, đi dép cao su, và cuộc trò chuyện thân tình với người làm vườn đã được kể lại trên mặt báo khi đó, làm rung động người dân Kolkata và được lưu truyền mãi.
Trong tất cả các địa điểm Đoàn tìm đến trong hành trình “theo dấu chân Bác”, đến đâu, Đoàn cũng thấy những dấu ấn của Người để lại một cách đậm nét. Tại Trường y học nhiệt đới, GS.TS Krishnangshu, Giám đốc Trường tự hào dẫn chúng tôi tới thư viện cổ kính của trường, nơi còn lưu dấu bút tích của Hồ Chí Minh. Tại Viện Thống kê Ấn Độ, có hai nhân chứng đã từng được gặp Bác năm 1958 là GS Dwijesh Kumar Dutta Majumder và GS Devkumar Basu. Hai ông dẫn Đoàn đi thăm những nơi Bác đã từng tới và chỉ đây là nơi Người đã từng ngồi, đây là bàn trà nơi Chủ tịch đã ngồi nói chuyện. Khi thăm Viện Thống kê Ấn Độ, Bác đã trồng một cây xoài làm kỷ niệm. Cả Đoàn đứng chụp ảnh dưới cây xoài năm xưa nay đã thành một cây đại thụ, xòe tán mát trong ngày hè Kolkata nóng nực.
Tại Viện nghiên cứu Bose, một viện nghiên cứu khoa học hàng đầu ở miền Đông Ấn Độ, Giáo sư Shivraj Raha cho chúng tôi xem phòng truyền thống nơi còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh về chuyến thăm của Người tại đây. GS Shivraj Raha tặng lại Đoàn bức ảnh Bác chụp chung với các nhà khoa học của Viện. Ông dẫn chúng tôi ra sân cỏ, dí dỏm nói rằng bây giờ chúng ta sẽ đi tìm dấu chân Hồ Chí Minh theo nghĩa đen vì cảnh vật trong ảnh cho tới nay vẫn không hề thay đổi. Đặc biệt, trong chuyến thăm Kolkata, Người đã đến ngôi nhà của gia tộc đại thi hào Rabindranath Tagore để tưởng nhớ tới đại thi hào Tagore. Ngày 13/2/1958, Bác đã đến thăm Trụ sở Hội Phật giáo và tặng quà lưu niệm cho Hội. Nhà sư Sudhamma Lankar Therro chỉ cho Đoàn xem những món quà ngày đó vẫn được lưu giữ một cách trân trọng….
Đoàn chúng tôi rời Kolkata, với đầy ắp những hình ảnh, những câu chuyện cảm động về Bác Hồ kính yêu, và hồi ức về tình nghĩa của bạn bè nơi đây dành cho Việt Nam… Thời gian có thể phủ bụi mờ lên nhiều điều. Song hình ảnh, tình cảm và những việc làm cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ đấu tranh cho tự do, hạnh phúc luôn sống mãi trong trái tim và hành động mỗi chúng ta và bạn bè quốc tế .
Phùng Trọng Tuấn - Phan Thanh Thủy (từ New Delhi)