📞

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù: Cần cân nhắc trao quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho địa phương

Nguyễn Kim 06:44 | 23/10/2021
Về vấn đề trao quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho địa phương, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng rừng để bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), cho rằng liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất quan trọng, cần báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng rừng. Hỉnh ảnh phiên thảo luận ở Tổ 2 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long.

Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi làm việc tại Hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương là vì mục tiêu chung cho phát triển của quốc gia. Nơi nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, thì có cơ chế, chính sách đột phá, mạnh hơn để tạo điều kiện cho địa phương, đơn vị đó phát triển và tạo động lực lan toả cho các địa phương khác trong vùng, thậm chí cho cả nước.

Còn địa phương, địa bàn khó khăn thì cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp địa phương này vươn lên, rút ngắn thu hẹp khoảng cách phát triển với địa phương khác, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc chỉ áp dụng thí điểm tại một số địa phương là để từ kết quả thí điểm có điều kiện đánh giá, tổng kết và nhân rộng ra toàn quốc.

Chủ tịch Quốc hội cũng giải thích vì sao 4 địa phương nói trên có Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Theo đó, Hải Phòng là một trong tam giác phát triển của phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), trong thời gian qua có những bước bứt phá rất mạnh mẽ. Tầm nhìn của Hải Phòng xác định không chỉ có tăng trưởng mà động lực tăng trưởng của cả nước và cả khu vực.

Về Thừa Thiên Huế có đặc thù hạ tầng nông thôn xuất phát điểm khó khăn khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương nên Bộ Chính trị đã có quyết sách rất mới - xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản của Trung ương, với cốt lõi là cố đô Huế, nên phải có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phát triển thành phố di sản.

Còn Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh đất rộng, người đông. Đặc biệt, Thanh Hoá cũng đã phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía Bắc (bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa).

Tạo cơ chế đột phá cho địa phương phát triển

Trong thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, cho rằng đây là những địa phương có vị trí cùng nhiều tiềm năng lợi thế quan trọng.

Do đó, việc Quốc hội đưa ra Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại 4 địa phương trên là giải pháp nhằm tạo cơ chế tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Hải Dương) đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền. Hiện Thanh Hóa, Nghệ An hoặc Thừa Thiên Huế có diện tích lớn, dân số đông, cấp phó sở ngành của các địa phương là 03. Tuy nhiên chính sách đặc thù đối với các địa phương diện tích rộng, dân số đông, đại biểu đề nghị nên tăng thêm cấp phó sở ngành thêm 6-8 người so với số người đã quy định để tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết được các nhiệm vụ, yêu cầu của địa bàn đặt ra, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để tạo cơ chế đột phá cho các địa phương phát triển, song cần có tiêu chí cụ thể lý do vì sao chọn các tỉnh, thành phố lần này để chọn làm thí điểm.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, trong đó Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí trừ án phí, lệ phí Tòa án…, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể về các loại phí và lệ ví liên quan đến lợi ích của người dân cho phù hợp.

Đại biểu Tạ Đình Thi và Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) thì cho rằng trong áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương cần làm rõ tính đặc thù, lợi thế của các địa phương này với các tỉnh, thành khác có cùng đặc điểm để tạo lợi thế trong phát triển.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn khi Nghị quyết thí điểm chưa có sự bao quát mà chỉ tập trung vào cơ chế, ngân sách, chưa có điểm mới để có thể lý giải cho việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù này để Trung ương không bị hụt thu.

Hình ảnh phiên họp tại Hội trường Quốc hội sáng 22/10 về Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Đảm bảo tính tương đồng

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì cho biết, tính tới ngày 01/08/2021, cả nước có 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); 22 đô thị loại I (3 đô thị trực thuộc trung ương (thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ), 19 đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Theo đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề xuất việc ban hành nghị quyết và thực hiện đồng bộ các Nghị quyết áp dụng với các thành phố trực thuộc Trung ương để các thành phố đều có cơ chế đặc thù như nhau, bảo đảm tính tương đồng.

Đại biểu cũng kiến nghị, cần có lộ trình xây dựng cơ chế đặc thù cho nhóm các tỉnh tự cân đối ngân sách và tự điều tiết ngân sách cho Trung ương như: Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh cần đánh giá tác động về sự chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội sau khi thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính ngân sách; có gia tăng khoảng cách giàu nghèo của người dân ở các tỉnh hay không và tác động xã hội đối với các chính sách này như thế nào? Ngoài cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho các tỉnh giàu làm đầu tàu dẫn dắt kinh tế của đất nước, của vùng miền, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn nên tính đến, xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh nghèo hay không?

Cân nhắc khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Cũng theo Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đối với vấn đề quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, dự thảo Nghị quyết cho biết Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 héc ta phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng rừng để bảo đảm môi trường.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cũng đề cập đến vấn đề về quản lý sử dụng rừng. Đại biểu nhất trí với quy định hiện hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên.

"Tuy nhiên, nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vấn đề diện tích rừng rất quan trọng. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định là báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Đình Thi cũng bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền của địa phương thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, và cho rằng cần có hướng giải quyết phù hợp.