Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT xung quanh những đổi mới trong phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017 với TG&VN.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT |
Thưa Vụ trưởng, phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có nhiều điểm mới về công tác tổ chức thi, bài thi, hình thức đề thi, thời gian làm bài và lịch thi. Nhiều quan điểm cho rằng với số lượng câu hỏi trong bài thi tổ hợp sẽ gây ra học lệch, không đủ để phân loại thí sinh, có nhiều khó khăn cho các trường ĐH, CĐ trong xét tuyển. Suy nghĩ của bà xung quanh quan điểm này ra sao?
Thực tế, việc đổi mới công tác thi và tuyển sinh là để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã được thực hiện theo lộ trình trong 3 năm gần đây.
Công tác tổ chức kỳ thi nhằm thực hiện hai mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh Cao đẳng, Đại học). Các tỉnh đã chủ trì kỳ thi tốt nghiệp nhiều năm nay, phối hợp với các trường Đại học tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trong hai năm qua nên đã làm chủ được cách thức, quy trình tổ chức kỳ thi này.
Hình thức thi trắc nghiệm cũng không mới, đã được áp dụng hàng chục năm nay với các môn Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh (từ năm 2007). Nay chỉ mở rộng hơn với các môn Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân mà thôi.
Năm 2017 có hai bài thi tổ hợp nhưng cũng không quá khác biệt vì các môn trong bài thi đó vẫn được tách biệt... Hiện nay, việc tổ hợp bài thi trước hết là để kỳ thi không quá dài, giảm áp lực cho thí sinh và để tạo tiền đề tổ chức các bài thi tổng hợp, tích hợp sau này.
Các môn thi trắc nghiệm đã được điều chỉnh số lượng câu hỏi theo góp ý của các chuyên gia và những ý kiến xã hội. Có ít nhất 40 câu hỏi/môn thi, được trải đều trong chương trình lớp 12 (sau này sẽ kiểm tra cả kiến thức lớp 11, lớp 10) nên không sợ các em học tủ, học lệch.
Việc phân loại thí sinh phụ thuộc vào nội dung đề thi, vào phân khúc mức độ dễ, trung bình hay khó của các câu hỏi chứ không phụ thuộc vào hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận.
Nếu căn cứ vào hình thức, số lượng tối thiểu 40 câu trắc nghiệm là nhiều hơn số lượng câu hỏi của bài thi tự luận nên dễ phân khúc câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó hơn. Việc xây dựng phương án thi 2017 đã có sự tham gia của đại diện một số trường Đại học. Qua trao đổi với các trường và qua thông tin báo chí, nhìn chung, đa số các trường ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm do lợi thế về tính khách quan, trung thực, nhanh gọn, đỡ tốn kém...
Không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của học sinh và tính phân loại không cao. Quan điểm của Bà về ý kiến này?
Mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia trước hết là để đánh giá học sinh khi kết thúc 12 năm học, ghi nhận kiến thức phổ thông đã tích luỹ được trước khi các em tiếp tục học lên Đại học hoặc đi học nghề, đi làm... và đảm bảo phân loại thí sinh để làm cơ sở xét tuyển sinh đại học.
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Thuỵ Điển… đã tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán và hiện vẫn đang duy trì phương thức thi này.
Các hình thức thi đều có mặt tốt và mặt trái, không có phương án nào tuyệt đối. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với mục tiêu đánh giá kiến thức, phân loại thí sinh ở mức độ cơ bản, đặc biệt là phát huy nhiều tác dụng tích cực đối với kỳ thi có số lượng thí sinh tham gia đông lên đến hàng triệu em nên sử dụng trong kỳ thi THPT Quốc gia là phù hợp.
Chúng tôi cũng đã trao đổi với nhiều chuyên gia, bởi trong bài thi trắc nghiệm, dù thí sinh không viết ra lập luận của mình để dẫn đến câu trả lời nhưng vẫn phải tư duy để chọn phương án đúng. Không thể có thí sinh tìm ra được câu trả lời đúng mà lại không cần tư duy, không phát triển kĩ năng… Đó là trên bình diện chung nhất của kỳ thi. Còn nếu trường nào đào tạo chuyên ngành Toán, cần lựa chọn các học sinh giỏi Toán thì có thể tổ chức thêm hình thức thi đánh giá năng lực Toán học.
Thực tế, với hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi phải có ngân hàng đề thi đảm bảo chất lượng, đáng tin cậy, phải được thử nghiệm trong một thời gian, có lộ trình, cũng như việc tâm lý cho học sinh cần được chuẩn bị tốt để đón nhận. Vậy áp dụng hình thức trắc nghiệm môn Toán vào lúc này có phải là phương án khả thi, thưa bà?
Chương trình phổ thông đã ứng dụng hình thức trắc nghiệm trong các sách bài tập. Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các trường THPT sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh kết hợp giữa các câu hỏi tự luận và trắc nghiệm.
Từ năm 2012, Bộ đã giao cho ĐHQGHN thực hiện thí điểm đổi mới công tác tuyển sinh, sử dụng đề thi trắc nghiệm khách quan để đánh giá năng lực của thí sinh. Đồng thời, ĐHQGHN còn thực hiện đề tài nghiên cứu so sánh kết quả của thí sinh giữa thi theo hình thức trắc nghiệm với hình thức thi tự luận truyền thống thì kết quả phân loại thí sinh cũng tương đương. Đó chính là quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua.
Hiện nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN và các chuyên gia đang tích cực chuẩn bị bộ đề cho Kỳ thi 2017 để đảm bảo có chất lượng tốt nhất. Ngay từ đầu năm học, phương án thi, đề thi minh hoạ đã sớm được công bố cũng là để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho các thí sinh.
Thưa bà, việc đổi mới phương thức thi có ảnh hưởng gì đến kế hoạch, phương pháp dạy, học và ôn tập của học sinh không?
Theo đề án nội dung thi của năm 2017 chỉ nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Mặt khác, phương thức tính điểm xét tốt nghiệp (từ điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12) với tỷ lệ tương ứng 50:50 nên điểm của kỳ thi không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá tốt nghiệp.
Cũng như những năm trước, đề thi sẽ có khoảng 60% để kiểm tra kiến thức cơ bản và 40% dùng để phân loại thí sinh nên hầu như không ảnh hưởng gì đến kế hoạch, phương pháp dạy, học và ôn tập của học sinh.
Mười năm qua phương thức thi trắc nghiệm đã thể hiện được tính ưu việt trong công tác tổ chức thi cũng như về khách quan, chính xác của kết quả thi và được xã hội đồng tình đánh giá cao.
Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm, Bộ đều yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các trường THPT thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh bằng cả 2 hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Vì vậy, thí sinh sẽ không gặp khó khăn gì khi đổi mới phương thức thi.
Ngày 6/10 vừa qua, Bộ đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Học sinh lớp 12 chuẩn bị thi năm nay cũng cho rằng đề thi trắc nghiệm môn Toán nói riêng và các môn khác nói chung quen thuộc, không gây bỡ ngỡ cho các em.
Trân trọng cảm ơn bà!