Việt Nam đang là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo kết quả nghiên cứu về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2008 của Tập đoàn nghiên cứu thị trường AT Kearney, Việt Nam đã từ vị trí thứ 4 (năm 2007) leo lên dẫn đầu các quốc gia có thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong nhóm thị trường đang nổi lên của thế giới. Với thành tích này, Việt Nam đã “qua mặt” nhiều đối thủ “sừng sỏ” như: Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.
Nguyên nhân chính giúp thị trường bán lẻ Việt Nam chiếm ưu thế trên thế giới là do dân số Việt Nam thuộc dạng trẻ nên nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng rất lớn và đa dạng. Nền kinh tế ngày càng phát triển cùng với đời sống của người dân được cải thiện cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển. Hiện, thu nhập bình quân của người dân đang ở mức 835 USD một năm, tăng 23% so với năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, doanh số bán lẻ năm 2008 của thị trường Việt Nam ước đạt hơn 54 tỷ USD, tăng khoảng 20,5% so với năm 2007. Theo Bộ Công thương, mỗi năm, thị trường bán lẻ đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 30%. Gần 85% người dân thành thị ở khu vực phía Nam thường xuyên mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Tốc độ gia tăng trong đầu tư của các tập đoàn bán lẻ và kinh doanh siêu thị gần đây cũng cho thấy tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều tập đoàn phân phối lớn đã có mặt tại Việt Nam như: Metro Cash và Carry, Bourbon, Zen Plaza... Trong đó, nhiều tên tuổi đã gia tăng tốc độ đầu tư tại Việt Nam. Thương hiệu nổi tiếng Metro Cash & Carry sau 6 năm hoạt động đã mở 9 trung tâm và công bố sẽ tiếp tục mở thêm 12 trung tâm nữa. Ngoài ra, những tập đoàn lớn chưa có mặt tại Việt Nam như: Wal Mart (Mỹ), Carefour, Tesco…cũng đang “ngấp nghé” chờ thời điểm thích hợp để tiến bước. Điều này khiến nhiều người lo ngại. Thực tế từ nhiều nước khác cho thấy, Wal Mart đặt địa điểm ở đâu thì trong vòng bán kính 3 km sẽ không còn một cửa hiệu bán lẻ nào trụ lại nổi.
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái, nhận định, nếu tập đoàn Wal Mart vào Việt Nam và dựng khoảng 10 chuỗi cửa hàng thì tương lai sẽ có tới 80% doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phá sản.
Ngoài năng lực chưa đủ mạnh, một nguyên nhân cũng được các doanh nghiệp cho là rào cản để cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài là do thiếu sự trợ giúp của Nhà nước. Mặt khác, dù tiềm năng thị trường bán lẻ rất lớn nhưng lại thiếu sự quy hoạch. Đề án Tổ chức mạng lưới bán lẻ trong nước do Bộ Công Thương chủ trì vẫn đang trong quá trình xây dựng. Vì vậy, việc kinh doanh bán lẻ hầu hết vẫn phát triển tự phát và nhỏ lẻ, không tạo được sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng phàn nàn khó tìm được địa điểm đẹp để kinh doanh khi phần lớn các mặt bằng thuận lợi đều được địa phương dành cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, khẳng định, nếu chỉ ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài là không hợp lý. “Nếu ai trả giá cao thì có được mặt bằng đẹp. Doanh nghiệp trong nước vì thế không thể đua nổi. Đây là cuộc chiến là không cân sức”, bà Loan nói.Để giải quyết vấn đề này, theo bà Loan, các địa phương cần công khai các nhà bán lẻ có nhu cầu đầu tư vào địa phương để cơ quan chức năng cũng như các nhà chuyên môn tham vấn. Bên cạnh đó, cần có sự khuyến khích nhất định đối với doanh nghiệp trong nước vì phần lớn đây là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít và năng lực chưa đủ mạnh. Như thế mới góp sức giúp doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tránh được nguy cơ “thua trên sân nhà” trước những đối thủ lớn, bà Loan nhấn mạnh.Theo Đất Việt