Mặc dù nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vẫn cân nhắc kế hoạch vào Việt Nam, nhưng nhận định đây là thị trường hấp dẫn |
Trong vòng 3 tháng qua, mới chỉ có thêm tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) chính thức tham gia vào thị trường bán lẻ của Việt Nam bằng việc liên doanh với đối tác trong nước mở siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn, có tổng vốn đầu tư 70 triệu đô la Mỹ tại quận 7, TPHCM.
Cửa đã mở, nhưng…
Trong năm 2008, có rất nhiều các cuộc hội thảo với chủ đề về thị trường bán lẻ Việt Nam được tổ chức tại TPHCM và các thành phố khác, phần lớn các diễn giả đều cho rằng thị trường này sẽ rất sôi động ngay từ đầu năm 2009 khi thị trường được mở cửa hoàn toàn cho các nhà bán lẻ nước ngoài.
Nhưng thực tế của các tháng đầu năm nay không diễn ra như dự báo. Một số diễn giả tại hội thảo của Eurocham cho rằng khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến các công ty bán lẻ nước ngoài tạm gác lại kế hoạch vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Rik Mekkelholt, giám đốc phụ trách các siêu thị mua sắm của Big C Việt Nam, lại nói rằng suy thoái kinh tế có thể chỉ là một trong nhiều lý do nằm sau quyết định của các tập đoàn bán lẻ trước khi vào Việt Nam - một thị trường có đến 86 triệu người tiêu dùng và đa phần dân số còn rất trẻ.
Ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng trong chiến lược phát triển, các nhà bán lẻ nước ngoài cân nhắc rất nhiều yếu tố về kế hoạch phát triển thị trường, sức mua, thu nhập của người tiêu dùng... “Các công ty bán lẻ nước ngoài luôn cân nhắc cả hàng năm trời trước khi đưa ra quyết định, chứ không phải chỉ trong một tháng,” ông nói.
Ông nói thêm, mỗi tập đoàn, công ty đều có chiến lược riêng để phát triển thị trường của họ. "Thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa nhưng còn đó các thủ tục pháp lý, các quy định áp dụng cho các nhà bán lẻ nước ngoài".
Đồng tình với ý kiến của ông Mekkelholt, bà Zoya Vassilieva, giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn của Công ty PricewaterhouseCoopers, cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền về sự thay đổi luật cũng như các quy định còn phức tạp và rườm rà.
Vẫn có nhiều yếu tố hấp dẫn
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng không phải một thị trường có đến 86 triệu người tiêu dùng là yếu tố thu hút các nhà bán lẻ nước ngoài, mà chính vì yếu tố dân số trẻ mới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài.
Ông Mekkelholt chỉ ra rằng theo số liệu mà ông có được thì khoảng 60% dân số của Việt Nam ở độ tuổi dưới 30, và nhiều người trong số này có cơ hội đi du lịch, công tác nước ngoài nên dễ thay đổi thói quen từ việc mua sắm truyền thống sang các kênh mua sắm hiện đại.
Theo bà Vassilieva, chính lý do dân số trẻ đã giúp Việt Nam vượt qua Trung Quốc, Nga và Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ được bầu chọn là hấp dẫn nhất trong năm 2008 trong các nền kinh tế mới nổi. "Các kênh mua sắm hiện đại chỉ chiếm khoảng 18% của tổng thanh toán thương mại tại Việt Nam, nhưng đang tăng rất nhanh trong các năm qua, khoảng 26% vào năm 2008", bà Vassilieva nói.
Ông Mekkelholt dự báo thị phần của kênh phân phối hiện đại tại Việt Nam sẽ tăng đến khoảng 35% như ở Thái Lan hiện nay. Ý kiến này cũng được ông Bart Verheyen từ Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam chia sẻ khi ông cho rằng việc mua sắm qua các kênh phân phối hiện đại vẫn tiếp tục tăng rất nhanh tại thị trường này.
"Nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam có mức thu nhập cao cũng góp phần làm cho thị trường bán lẻ ở đây thêm hấp dẫn," ông Mekkelholt dựa vào số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam để phân tích. Theo TNS, số người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu ở Việt Nam với mức thu nhập 250 - 435 đô la Mỹ/tháng và trên 435 đô la Mỹ/tháng đang tăng lên. Hiện tại, số người này hiện chiếm khoảng 17% dân số Việt Nam, và dự báo sẽ tăng 25% trong năm nay và các năm sắp tới.
Do vậy, ông Mekkelholt nói rằng thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Ông cho biết vào khoảng tháng 7-2009, Big C Việt Nam sẽ khai trương siêu thị thứ 9 tại thành phố Huế.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2008 đạt 58 tỉ đô la Mỹ, tăng 31% so với năm 2007. Còn theo phân tích của bà Vassilieva từ PricewaterhouseCoopers thì doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng 18 - 23%/năm trong giai đoạn 2003 - 2007, cao hơn mức tăng 8 - 10% trong các năm trước đó.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường RNCOS, doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo là sẽ tăng khoảng 13,6% trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012.
Hiện Việt Nam có khoảng 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng mua sắm tiện lợi, và hơn 900.000 các loại cửa hàng khác. Trong vòng 2 năm tới, các chuyên gia dự báo sẽ có khoảng 700 - 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại và hàng chục ngàn các cửa hàng tiện lợi. Theo TBKTSG