TGĐ DKRA Phạm Lâm tại một buổi giới thiệu về tình hình thị trường bất động sản. |
Những năm gần đây, tác động trực tiếp của kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế trong nước, trong đó có thị trường bất động sản (BĐS), cùng với đó là một số văn bản pháp luật liên quan được siết chặt, khiến nguồn cung BĐS bị hạn chế.
Nhu cầu nhà ở tăng
Theo số liệu từ UBND TP. HCM, hiện dân số của thành phố đang tiệm cận mức 13 triệu và dự báo, sẽ còn tăng với chu kỳ cứ 5 năm có thêm khoảng 1 triệu dân nhập cư và một lượng lớn chuyên gia từ nước ngoài.
Tại Hội thảo quốc tế “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số ở TP. HCM”, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, việc gia tăng dân số, không chỉ đặt áp lực cho chính quyền thành phố trong việc giải quyết những vấn đề về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, các dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí…, mà còn áp lực lớn từ nhu cầu về chỗ an cư cho người lao động.
Thực tế, nhu cầu nhà ở tại TP. HCM luôn gia tăng và địa phương đã định hướng đẩy mạnh phát triển mô hình các khu đô thị (KĐT) vệ tinh như: KĐT Phú Mỹ Hưng, KĐT Him Lam, Khu Dân cư Nam Long, KĐT Dragon City, KĐT Cảng biển Hiệp Phước, KĐT Tây Bắc… Tuy nhiên, thực tế quỹ đất tại đây đang ngày càng khan hiếm.
Theo CBRE, hiện phần lớn các quận trung tâm của TP. HCM không còn quỹ đất, và các nhà đầu tư đang tìm kiếm các quỹ đất xa trung tâm hoặc tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu…
Công ty DKRA Việt Nam cung cấp số liệu, hiện TP. HCM có khoảng 476.000 người chưa có nhà ở hoặc đang sống cùng người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình. Trong đó, khoảng 200.000 cán bộ không có nhà ở; khoảng 143.000 hộ có nhu cầu sở hữu nhà; 20.000 hộ sống ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ phải cải tạo. Ngoài ra, hàng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp ở lại tìm kiếm cơ hội lập nghiệp cũng làm gia tăng nhu cầu nhà ở.
“Muốn giải quyết bài toán này, TP. HCM cần có kế hoạch và chiến lược cụ thể, phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông và các tiện ích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Hiện nay, nhiều dự án sau khi xây xong không ai đến ở. Điều này là bất hợp lý khi nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng”, đại diện DKRA Việt Nam Phạm Lâm nêu quan điểm.
Các dự án bất động sản có mức thanh khoản hấp dẫn chính là việc chủ đầu tư chú trọng tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. |
Gia tăng niềm tin để tạo tính thanh khoản
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận định giá, Nghiên cứu Thị trường và Đầu tư Phát triển CBRE cho biết, mặc dù quỹ đất hạn hẹp và nhu cầu tăng cao, mức thanh khoản đối với những dự án đã và đang triển khai cũng không có sự đột biến trong hầu hết tất cả các phân khúc. Những dự án thanh khoản cao thường từ các chủ đầu tư có thương hiệu hoặc sẵn sàng tạo ra sự khác biệt từ khâu thiết kế đến những tính năng và tiện ích cho người sử dụng.
Tổng Giám đốc công ty BĐS Phú Đông Ngô Quang Phúc cũng cho rằng, “việc chia sẻ lợi nhuận với khách hàng chính là một trong những yếu tố chiến lược của Phú Đông, khi sẵn sàng chấp nhận thay đổi những hạng mục tốt hơn, nếu trong quá trình triển khai, nghiên cứu thấy các hạng mục đó không mang lại lợi ích tối ưu cho người sử dụng. Chẳng hạn như hệ thống cửa, hệ thống bếp, thiết bị điện...”.
“Chẳng có nhà đầu tư nào muốn bỏ thêm tiền khi giá bán không thể tăng thêm. Nhưng trong bối cảnh người tiêu dùng đang mất niềm tin vào những cam kết của chủ đầu tư, cách gia tăng niềm tin chính là dựa vào cách đem lại quyền lợi cao nhất cho khách hàng của mình”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm cũng nhìn nhận, 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS phát triển sôi động nhưng cũng bộc lộ nhiều thách thức, vì chủ yếu phát triển phân khúc hạng A và B, hầu như thiếu hẳn các dự án nhà ở phân khúc hạng C – phân khúc có nhu cầu đang rất lớn (chỉ có 3 dự án được chào bán trong quý III/2019).
Tuy nhiên, đại diện DKRA Việt Nam cho rằng, mặc dù nhu cầu lớn và dự án đưa ra thị trường không nhiều, mức thanh khoản của phân khúc căn hộ cũng không có nhiều đột biến. Bởi người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, do vậy, các dự án mức thanh khoản cao chỉ tập trung ở một số dự án có thiết kế đẹp và có nhiều tiện ích và các chủ đầu tư có thương hiệu.
Rõ ràng, việc đào thải chính là quy luật của thị trường, dân trí càng cao, nhu cầu đòi hỏi những tiện ích phục vụ cho cuộc sống cũng từ đó không ngừng được gia tăng. Vì vậy, các chủ đầu tư, thời gian qua, cũng đã khôn ngoan hơn trong việc đầu tư vào dự án. Không chỉ là thiết kế, tiện ích, mà ngay cả việc hậu mãi sau khi giao nhà cũng chính là yếu tố quyết định đến việc chọn lựa mua nhà hay không của khách hàng.
Và thị trường vẫn đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ những thông tư và nghị định sắp tới của Chính phủ dành cho thị trường BĐS, trong đó có cả áp mức tín dụng để chủ đầu tư, cũng như khách hàng có điều kiện hơn, nhằm tạo ra tính thanh khoản tốt nhất để thị trường này phát triển đúng hướng và đúng kỳ vọng.
Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, do vậy, các dự án mức thanh khoản cao chỉ tập trung ở một số dự án có thiết kế đẹp và có nhiều tiện ích và các chủ đầu tư có thương hiệu. |