📞

Thị trường chứng khoán: ‘Giữ chân’ vốn ngoại

14:09 | 08/01/2023
Năm 2022 và tuần đầu năm 2023, dù chứng khoán Việt trải qua nhiều biến động nhưng giao dịch khối ngoại vẫn là một điểm sáng đáng ghi nhận.
Chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: TTXVN)

Làm thế nào để giữ chân vốn ngoại trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, làm thế nào để nhà đầu tư ngoại chọn thị trường vốn Việt là bến đỗ lâu dài thay vì đầu tư lướt sóng là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Ngay những ngày đầu năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những phiên rực rỡ. VN-Index tăng mạnh, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng trong ngày giao dịch đầu năm.

Trước đó, trong năm 2022, khối ngoại mua ròng tới 29.262 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khoảng 1,2 tỷ USD chảy vào chứng khoán Việt. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử hơn 22 năm hoạt động của thị trường vốn này.

Nguyên nhân khối ngoại đẩy mạnh đầu tư vào TTCK Việt Nam thời gian vừa qua là do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Các yếu tố vĩ mô duy trì ổn định, với lợi thế chi phí lao động, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, và được hưởng lợi từ chuyển giao thương mại Trung Quốc - Mỹ đã mở ra triển vọng tốt cho nền kinh tế nói chung, trong đó gồm TTCK, từ đó giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào những tháng cuối năm. Định giá P/E hiện tại vào khoảng 12 lần, trong khi các thị trường khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia) đều cao hơn Việt Nam (khoảng 16 lần).

ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của VN-Index đạt khoảng 15%, cao hơn mức 9 - 10% của các nước trong khu vực. Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế mạnh, vĩ mô ổn định, nhất là lạm phát khá thấp và tỷ giá không quá biến động… là những lợi thế trong việc giữ chân dòng vốn ngoại của Việt Nam.

Vậy, làm sao để giữ chân dòng vốn ngoại? Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng, nếu TTCK được nâng hạng, tệp nhà đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn, hàng nghìn đối tác ngoại có thể tiếp cận. Đó là điều tốt cho thị trường trong dài hạn.

Tháng 9/2022, Việt Nam đã “lỡ hẹn” cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi, tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2, nhưng FTSE Russell cho biết, sẽ đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của Việt Nam vào tháng 3/2023. FTSE Russell cũng cho rằng, Việt Nam cần cải thiện ở khâu đăng ký tài khoản, trong đó cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết “room”.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã cho biết, nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Trước đó, nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực, đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.

(theo Kinh tế & Đô thị)