📞

Thị trường Halal: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam

Phạm Quang Hiệu 07:45 | 03/08/2021
Halal là một khái niệm còn ít được biết đến, kể cả đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ đến thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của ta gặp khó khăn với vấn đề này tại các thị trường Hồi giáo thì tiêu chuẩn này mới bắt đầu được quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu một cách thấu đáo.
Ngày 30/11/2020, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (nay là Bộ trưởng Ngoại giao) tham quan gian hàng trưng bày thực phẩm Halal tại Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức. (Ảnh: Tuấn Anh)

Halal đã tồn tại khoảng 1.400 năm nhưng chỉ mới được quan tâm ở mức độ toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây. Halal theo tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép), dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo theo Kinh Qur’an và Luật Sharia (luật Hồi giáo); trái ngược với Halal là Haram có nghĩa là không được phép hay kiêng kị.

Ban đầu, Halal chỉ áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm, cụ thể, kinh Qur’an răn dạy về nguyên tắc người Hồi giáo được và không được ăn thịt loài vật nào, phương thức sát sinh ra sao.

Ngày nay, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như thủy sản nuôi, trà…

Tại một số nơi, nước dùng để chế biến sản phẩm Halal cũng đòi hỏi phải có chứng nhận Halal. Do đó, Halal giờ đây không chỉ mang yếu tố tôn giáo hay an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn mang yếu tố bản sắc và thương hiệu Hồi giáo.

Quy mô thị trường Halal

Trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển nhanh chóng thì thị trường Halal ngày càng được chú trọng do dân số Hồi giáo đang tăng nhanh gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo. Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng ¼ dân số thế giới và dự kiến chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2024 và đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường Halal.

"Halal đã tồn tại khoảng 1.400 năm nhưng chỉ mới được quan tâm ở mức độ toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây. Halal theo tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép), dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo theo Kinh Qur’an và Luật Sharia (luật Hồi giáo); trái ngược với Halal là Haram có nghĩa là không được phép hay kiêng kị".

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu 2019/2020, năm 2018, ngành công nghiệp Halal toàn cầu có tổng trị giá khoảng 2.440 tỷ USD. Riêng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal chiếm 56% có giá trị là 1.369 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm dự kiến khoảng 6,3%.

Xét theo khu vực thì Trung Đông-Bắc Phi là nơi tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống Halal nhất (khoảng 441 tỷ USD), sau đó đến Nam Á (khoảng 238 tỷ USD), Đông Á (khoảng 230 tỷ USD), Trung Á (khoảng 218 tỷ USD) và khu vực Tiểu sa mạc Sahara châu Phi (khoảng 127 tỷ USD).

Sự phát triển của các hệ thống tiêu chuẩn Halal

Sự phát triển của ngành công nghiệp Halal đã thúc đẩy các ngành phụ trợ phát triển theo, trong đó có các hệ thống công nhận tiêu chuẩn Halal. Tiêu chuẩn Halal được xây dựng thành hệ thống đầu tiên tại Malaysia vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước khi chính phủ Malaysia thành lập Tổ chức Công nhận Halal (JAKIM) để hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal.

Ngay sau đó, nhiều nước có thị trường Halal hoặc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Halal đã nhanh chóng thành lập các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Halal và chứng nhận Halal. Indonesia, Brunei, Singapore và Thái Lan đã nhanh chóng phát triển các hệ thống tiêu chuẩn Halal của riêng mình.

Các nước khu vực Trung Đông trong khoảng 10 năm gần đây cũng đầu tư mạnh vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn Halal do được đánh giá sẽ trở thành trung tâm của thị trường Halal trong thời gian tới thay cho Đông Nam Á. Một số nước có cộng đồng Hồi giáo thiểu số cũng thành lập các cơ quan Nhà nước quản lý Halal và hệ thống tiêu chuẩn Halal để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu như Australia và New Zealand.

Việc ngày càng có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal và phạm vi áp dụng không ngừng được mở rộng ra nhiều ngành hàng đang làm cho vấn đề Halal trở nên phức tạp, thậm chí bị coi là rào cản kỹ thuật.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tác động của tiêu chuẩn Halal đến doanh nghiệp Việt Nam

Nhìn chung, ngành sản xuất thực phẩm của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi tiêu chuẩn Halal do phần lớn cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là các sản phẩm thô như hải sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, hạt điều… vốn ít bị áp dụng tiêu chuẩn Halal.

Chỉ có ít doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính lớn và có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến vào các thị trường Hồi giáo mới cần đến chứng nhận Halal như Vinamilk, TH True Milk, Trung Nguyên, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)…

Tuy nhiên, đó là trong thời gian trước đây, khi thị trường Halal còn chưa phát triển và tiêu chuẩn về Halal ít được quan tâm. Hiện nay, các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thuỷ sản nuôi trồng, trà… sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam không có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận tiêu chuẩn Halal, thay vào đó chúng ta có một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal. Do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal của các nước để được chấp nhận chứng nhận Halal, khiến cho chi phí cấp chứng nhận tăng lên.

Các chi phí đó cuối cùng do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Halal phải gánh chịu, từ dó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam hiện chưa tiệm cận yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp Halal thế giới. Đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn có những hạn chế nhất định. Các tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal của ta cũng chưa đủ khả năng tài chính để kết nối thường xuyên với các tổ chức công nhận Halal thế giới.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal gặp khó khăn trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal. Điều này nếu không được giải quyết, sẽ hạn chế khả năng doanh nghiệp Việt Nam trong việc giữ và mở rộng thị trường Halal.

Thị trường Halal đầy tiềm năng, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc các nước Hồi giáo quyết tâm hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal một mặt đang tạo ra rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này nhưng cũng sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh nhạy, biết tận dụng cơ hội và thích ứng được với bối cảnh mới.

Bên cạnh việc nhận thức đúng và đầy đủ về thị trường Halal, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt từ cả phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua thách thức, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội do thị trường này đem lại.

Bộ Ngoại giao với vai trò “mở đường, đồng hành” trong hoạt động ngoại giao kinh tế sẵn sàng sát cánh, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường Halal rộng lớn nhưng còn rất mới mẻ.

Với mạng lưới các Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường Halal, Bộ Ngoại giao sẽ phát huy tối đa vai trò cơ quan đầu mối cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy hợp tác quốc tế về Halal, tổ chức các sự kiện quảng bá về thị trường Halal tại Việt Nam, đưa nội dung thông tin về thị trường Halal vào hoạt động đào tạo cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và các hoạt động ngoại giao kinh tế trong và ngoài nước.