📞

Thị trường Halal mở cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Bắc Giang

Thùy Dương 20:40 | 22/10/2024
Halal là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trên thế giới. Nếu tận dụng tốt, ngành công nghiệp Halal sẽ mang lại nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam như vậy bên lề Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” diễn ra chiều 22/10.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Bạch Dương)

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp Halal tại Bắc Giang?

Bắc Giang nằm trên khu vực tam giác kinh tế lớn nhất miền Bắc: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh Bắc Giang xác định phát triển công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Những năm gần đây, Bắc Giang luôn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Tỉnh đã chủ động khai thác hiệu quả lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.

Khu vực Trung Đông là một thị trường lớn, tiềm năng và có độ mở lớn. Các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng, tạo cơ hội rất lớn cho hàng hóa của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu và mở rộng thị trường.

Hiện nay, một số nông sản của tỉnh Bắc Giang đã có một số doanh nghiệp chế biến (dưa bao tử, vải thiều chế biến, đậu tương…) và xuất khẩu sang thị trường Halal theo hình thức trực tiếp (như Isarel, Tây Á - Trung Đông) và uỷ thác (như Dubai, Lebanon), nhưng đều chưa được cấp chứng nhận Halal.

Đây là một trong các khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Hiện tỉnh có gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng với 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng.

Đến hết năm 2023, có hơn 290 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Vải thiều tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. (Nguồn: bacgiang.gov.vn)

Theo ông, ngành công nghiệp Halal có thể đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương?

Có thể thấy rõ tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm Halal rất hứa hẹn.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng, người Hồi giáo đông nhất thế giới.

Mặt khác, nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới.

Theo đó, có nhiều người không theo đạo Hồi nhưng có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng.

Các chuyên gia nhận định, Halal là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trên thế giới. Nếu tận dụng tốt, ngành công nghiệp Halal sẽ mang lại nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang.

Thị trường Halal có sức mua lớn và có nhu cầu cao đối với các sản phẩm nông, thuỷ sản của Việt Nam. Nếu khai thác được thị trường này, sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là vải thiều, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất của địa phương nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Một khi ngành công nghiệp Halal phát triển sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững.

Thời gian tới, Bắc Giang sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal?

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngành Halal, thị trường Halal và các quy định về tiêu chuẩn Halal đến các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất trong tỉnh; tỉnh tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng nguồn lực bên ngoài về vốn, công nghệ để thúc đẩy phát triển ngành Halal trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm; chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thông minh vào sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Halal.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và các Bộ, Ngành trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh xây dựng kênh thông tin về thị trường Halal, nhu cầu thị trường, thông tin đối tác, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp chứng nhận Halal tại từng quốc gia, từng mặt hàng khác nhau để các doanh nghiệp của tỉnh tham khảo, áp dụng.

Ngoài ra, đề nghị hỗ trợ tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều và các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh vào thị trường Trung Đông.