Nhỏ Bình thường Lớn
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 2)

TGVN. Tác phẩm thứ hai tương truyền của Homeros là Odysseia. Thiên hùng ca này gồm 24 ca khúc với 12.263 câu thơ kể chuyện Vua Hy Lạp Odysseus lưu lạc 10 năm trước khi về được đến quê nhà (Sau khi chàng cùng liên quân Hy Lạp hạ được thành Troia. Câu chuyện có ba tuyến chính:
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 2)

1/ Hoàng tử Telemakhos, con trai duy nhất của Odysseus, cùng gia sư là Mentor đi nhiều nơi tìm cha.

2/ Những cuộc phiêu lưu của Odysseus: chiến đấu với dân Cicone hiếu chiến, với dân ăn hoa sen (ăn phải hạt hoa sen thì mất hết ý chí, sức lực), với những người một mắt; Nữ phù thủy Kirke cho những tùy tùng của Odysseus uống thuốc mê rồi biến họ thành lợn, sau nhờ thần minh cho ăn một thứ lá trở lại thành hình người; Odysseus xuống âm phủ; Odysseus ở một vùng biển có những ngư tinh đầu người đuôi cá, hát để mê hoặc thủy thủ, khiến thuyền đâm vào đá ngầm mà đắm, Odysseus ra lệnh cho thủy thủ trói mình vào cột buồm để nghe, bắt họ bịt tai bằng sáp ong, do đó vẫn đi thoải mái; nữ thần Kalypso yêu Odysseus và giữ Odysseus lại bảy năm.

3/ Vợ Odysseus là Penelope đợi chồng 20 năm, từ chối không nhận lấy ai; nàng bị ép quá, nói là sẽ lấy chồng khi dệt xong vải liệm. Ban ngày nàng dệt, ban đêm nàng lại tháo ra.

4/ Kết thúc: Odysseus và con trở về. Khi đó vợ Odysseus bị bọn người cầu hôn dồn ép, hứa sẽ lấy ai giương nổi cái cung cũ của chồng để lại. Chỉ có Odysseus trá hình cũng vào dự tỉ thí thì giương nổi cung. Sau đó, Odysseus đánh đuổi bọn cầu hôn, lấy lại ngôi vàng.

Tác giả tiếp theo là Sophoklês (496-406 TCN), một nhà thơ bi kịch (quan niệm là động cơ tâm lý quyết định số phận, đề cao ý thức nhân văn). Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Antigone(442 TCN) và Oidipus lên ngôi vua (Oidipus tyrannos, 430 TCN).

Antigone là bi kịch cổ Hy Lạp, thể hiện sâu sắc lương tâm bất bình chống lại luật pháp của con người. Hai hoàng tử Eteoklês và Polyneikês đánh nhau tranh ngôi vua và đều chết. Vua mới (là cậu họ), Kreon, theo nghi lễ, cấm chôn thi hài của Polyneikês vì cho là Polyneikês có tội. Công chúa Antigone là em gái của Eteoklês và Polyneikês thương anh, bất chấp tục lệ, cứ làm lễ chôn (mặc dù Antigone là vợ chưa cưới của con Kreon). Antigone bị kết án xử tử.

Kreon về sau suy nghĩ lại thì đã quá muộn: Antigone và con trai mình tự tử chết; vợ Kreon là Eurydike được tin cũng tự tử nốt. Theo Sophoklês, những động cơ tâm lý (chứ không phải thần minh như Aiskhylos quan niệm) quyết định số phận cá nhân.

Do đó bi kịch của Sophoklês trình bày quan hệ con người thật hơn, Sophoklês tăng phần nói lên (so với đồng ca), ngôn ngữ gần đời sống hàng ngày hơn. Ý nghĩa nhân văn được đề cao hơn (vai trò con người có tự do; hạnh phúc luôn bị đe dọa; tầm vóc cao lên do những thử thách, hy sinh).

Oidipus lên ngôi vua là một vở bi kịch cổ. Chủ đề: sự mỉa mai cay độc của số phận; cho đến khi nhắm mắt chết, không ai có thể nói cuộc đời mình có hạnh phúc hay không.

Theo lời tiên tri của thần minh, vua Laios và hoàng hậu Iokastê sẽ đẻ ra một đứa con trai lớn lên giết bố và lấy mẹ. Vì vậy, hoàng tử Oidipus vừa ra đời liền bị vứt lên núi. Nhưng tình cờ, Oidipus được một nhà vua khác nuôi.

Lớn lên, trên đường bỏ đi xa, Oidipus cãi nhau và giết một hành khách (chính là cha của mình mà không hề hay biết). Tới thành Tê-bai, Oidipus trả lời đúng câu hỏi của quái vật Sphinx đầu người mình sư tử (ăn thịt hành khách nào không trả lời được), khiến cho quái vật bức quá tự tử. Trừ được tai họa cứu dân, Oidipus được dân đô thành mời làm vua và lấy hoàng hậu góa (chính là mẹ Oidipus).

Lúc ấy, dịch bệnh hoành hành ở đô thành, thần linh trừng phạt dân (kẻ giết vua trước ẩn núp ở đó); sau khi cho điều tra, Oidipus phát hiện kẻ sát nhân chính là mình. Vợ Oidipus (cũng là mẹ Oidipus) được tin liền treo cổ chết. Oidipus tự chọc mù mắt, rồi bỏ đi lang thang (bị các con trai đuổi đi - duy chỉ có cô con gái là Antigone dẫn đi).

Vở kịch được coi là vở thành công nhất của sân khấu cổ Hy Lạp (kịch tính cao, hành động gọn, gây kinh sợ và thương cảm theo đúng quan niệm bi kịch cổ Hy Lạp).

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 1)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 1)

TGVN. Văn học cổ đại Hy Lạp - La Mã thể hiện chủ nghĩa nhân văn, nghĩa là thừa nhận giá trị con người, thiết ...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì?

TGVN. Sau khi chứng kiến sự ngu xuẩn của chiến tranh, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, ...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Auguste Comte nghĩ gì?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Auguste Comte nghĩ gì?

TGVN. Auguste Comte coi xã hội học là một thứ vật lý học xã hội và áp dụng những phương pháp vật lý vào việc ...