Thị trường hàng không Việt Nam khởi sắc. (Nguồn: Zing) |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho các hãng hàng không muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, trong Nghị định 89/2019/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại được tăng từ 30% lên 34% trong các hãng hàng không. Ngoài ra, mức vốn tối thiểu cho các hãng hàng không được giảm xuống cho các hãng có khai thác đường bay quốc tế với 10 tàu bay là 300 tỷ đồng; 11 đến 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng (trước đây, số vốn quy định này cao hơn khá nhiều, tương ứng là 700 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng).
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư ngoại sẽ đem lại lợi ích cho các hãng hàng không như: Vietnam Airlines (HVN), Vietjet (VJC) và cả Bamboo Airways sau khi lên sàn khi các hãng này có thể tăng vốn bổ sung nhằm gia tăng việc mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định với điều kiện mức vốn tối thiểu cho các hãng hàng không được giảm xuống bên cạnh việc tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp muốn nhảy vào thị trường hàng không bé bở này thì nó cũng gián tiếp tạo ra cuộc cạnh tranh thị phần vốn đang khá “nóng” sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, có 3 hãng hàng không đang xin cấp phép bao gồm: Vinpearl Air, Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Viettravel Air) và Hãng hàng không cánh Diều (Kite Air). Cụ thể, Hãng hàng không Vinpearl Air vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, cuối tháng 12/ 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines.
Đối với các nhà vận hành cảng hàng không như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), theo Nghị định 89/2019, các công ty không cần phê duyệt về nguyên tắc của Bộ Giao thông Vận tải khi thành lập doanh nghiệp và khi chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, mức vốn yêu cầu tối thiểu là 100 tỷ đồng cho cả cảng hàng không quốc tế và trong nước so với mức 100 tỷ đồng cho sân bay trong nước và 200 tỷ đồng cho sân bay quốc tế trước đây.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Tp Hồ Chí Minh (HSC), Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp đầu tiên có thể đạt mức room ngoại mới vì doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược vào năm nay.
Vietnam Airlines hiện do Nhà nước nắm giữ 86,19% vốn, cổ đông ngoại chiến lược ANA Holdings (Nhật Bản) sở hữu 8,77%, các cổ đông khác sở hữu 5,04% còn lại. Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn tại Vietnam Airlines xuống còn 51%, tức là Nhà nước (thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) sẽ bán khoảng 35% số vốn.
Đối với Hãng hàng không Jetstar Pacific đang do Qantas Airways (Australia) sở hữu tối đa 30% theo quy định hiện hành. Như vậy, theo quy định mới, Qantas có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại Jetstar lên 34%.
Bamboo Airways do Tập đoàn FLC sở hữu đang có kế hoạch đưa Hãng bay này lên thị trường chứng khoán để thực hiện IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) với mục tiêu nâng quy mô vốn lên trên 6.000 tỷ đồng. Với quy định mới của Nghị định 89/2019/NĐ-CP sẽ giúp Bamboo Airways có nhiều cơ hội hơn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại hoạc Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc nâng mức tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại lên 34% cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các nhà đầu tư ngoại. Bởi hàng không là ngành đặc thù, việc cho nhà đầu tư ngoại nắm thêm quyền sở hữu những nguồn tiền không rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không cũng như các vấn đến khác.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, với nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không được quy định mới trong Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đặc biệt là điều kiện về vốn pháp định được giảm xuống.
Một điểm đáng quan tâm là trong Nghị định số 89/2019/NĐ-CP vẫn tiếp tục quy định khá chặt chẽ. Theo đó, tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện vận chuyển hành khách vẫn không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung, tuổi quy định không vượt quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu theo hợp đồng mua, thuê mua và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc Nghị định 89/2019/NĐ- CP vẫn giữ nguyên quy định như thời gian qua là để đảm bảo an toàn hàng không đồng thời tiết kiệm chi phí cho chính các hãng hàng không.