ASEAN có xấp xỉ 108 triệu lao động ở độ tuổi từ 15-24. Đây được coi là thế hệ thịnh vượng nhất của lực lượng lao động trong những năm đầu của thế kỷ 21. Trong 5 năm qua, tăng trưởng dân số của ASEAN đạt mức khá cao với tỷ lệ tăng lực lượng lao động trung bình hàng năm là 2,2%. Nếu tính chung cả 5 năm, một nguồn lực lao động dồi dào đã tăng thêm, điển hình là Campuchia (tăng trưởng 52,8%), Lào (24,5%), Philippines (20%), Brunei, Indonesia và Myanmar vẫn duy trì mức 14%. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển của khu vực như Singapore và Thái Lan chỉ tăng gần 9%.
Tổng số việc làm của khu vực ASEAN đã tăng với tốc độ khá mạnh 11,8%, từ mức 235,2 triệu việc làm lên 263 triệu (2006), thì tỷ lệ thất nghiệp của khu vực cũng tăng từ 5% lên 6,6%. Ngoài ra, người lao động nghèo của ASEAN vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (56%). Trong năm 2006, hơn 148 triệu lao động của ASEAN không kiếm đủ 2 USD/ngày (ngưỡng nghèo theo chuẩn mới của LHQ). Lực lượng lao động lành nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Phần lớn người lao động ở các nước đang phát triển không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải ký kết hợp đồng lao động không chính thức hoặc hợp đồng làm việc ngắn hạn với mức lương ít ỏi, bảo hiểm an ninh và xã hội thấp (thậm chí không có bảo hiểm).
Trong khi đó, tình trạng thiếu lao động dự kiến vẫn tăng lên ở Singapore, Thái Lan; còn lĩnh vực dịch vụ (dự kiến sẽ thu hút tới 40% lực lượng lao động ASEAN). Đây là hệ quả của sự chênh lệch phát triển, hiện đang tồn giữa các nước thành viên. Không chỉ GDP đầu người chênh lệch mà cả trình độ phát triển của các nước thành viên cũng khác nhau quá nhiều. Singapore có mức GDP bình quân đầu người cao gấp 50 lần so với Việt Nam và gấp 70 lần so với Campuchia. Trong khi Singapore được đánh giá là nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao thứ 7 thế giới thì Việt Nam chỉ được xếp thứ 68/131, Campuchia xếp thứ 110/131. Chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên ASEAN còn được thể hiện ở chênh lệch về phát triển con người, mức độ mở cửa, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của thị trường tài chính, cơ cấu kinh tế, năng lực tài chính...
Trong báo cáo Triển vọng lao động thích hợp cho thập niên phát triển bền vững và lao động từ nay đến năm 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động cao của châu Á nói chung cũng như của các nước ASEAN nói riêng đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không tạo thêm được việc làm, các nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động trong tương lai.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt hẳn ASEAN về mức tăng năng suất lao động, trong khi chênh lệch năng suất lao động giữa Ấn Độ và ASEAN đã có phần thu hẹp. Năng suất lao động của ASEAN chỉ tăng 15,5% trong khi tốc độ tăng này ở Ấn Độ là 26,9% và ở Trung Quốc tới 63,4%. Tuy nhiên, năng suất lao động trong khối ASEAN cũng có sự khác biệt khá rõ. Năng suất lao động của Singapore gấp 17 lần Campuchia, gấp 10,6 lần Myanmar. Tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào sự tăng năng suất lao động (tăng 26,4% - mức tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực) và nhờ mở rộng quy mô việc làm.
Theo dự báo của ILO, đến năm 2015 ASEAN sẽ có thêm 55 triệu lao động mới (tăng 19,8% so với mức năm 2007), nhưng mức tăng mạnh nhất vẫn ở các quốc gia kém phát triển hơn như Lào, Campuchia và Philippines… Trong khi đó, lực lượng lao động của Thái Lan dự đoán chỉ tăng 1%/năm, trong khi tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 4,5%, tạo nên sức ép cầu lao động khoảng 474.000 người vào năm 2011. Singapore và Thái Lan tiếp tục phải đối diện với tình trạng thiếu lao động và hậu quả kinh tế xã hội của lực lượng lao động già hóa.
Tốc độ tăng trưởng dân số, xu hướng xã hội, sức ép thị trường lao động và xu hướng toàn cầu hóa ngày càng tăng đã tác động đến tiến độ liên kết của thị trường lao động khu vực, tạo ra cả những thách thức và cơ hội việc làm trong ASEAN. Để trở thành cộng đồng kinh tế - xã hội vào năm 2015 và tự nâng cao sức cạnh tranh của khu vực, bài toán lớn mà các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cần giải quyết tốt là điều hòa được sự dịch chuyển luồng lao động trong chính nội bộ khu vực ASEAN.
Minh Anh