Tàu ngầm hiện trở thành một yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn chiến lược và bảo vệ lợi ích quốc gia. Các cường quốc hàng hải đang tích cực phát triển các thành phần dưới nước của lực lượng tàu ngầm và hải quân của họ, bằng cách trang bị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, mìn, ngư lôi, động cơ, cùng nhiều thiết bị và hệ thống robot mới.
Hoạt động của tàu ngầm các cường quốc hải quân tại Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, ngoài khơi Syria và Biển Đông, Biển Đen… đang được quan tâm đặc biệt.
Hạm đội tàu ngầm của Nga thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới. (Nguồn: Top Cor) |
Câu lạc bộ các quốc gia tàu ngầm ưu tú
Trích dẫn dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Military Balance 2021 cho biết, 6 quốc gia có hạm đội tàu ngầm hạt nhân vẫn là thành viên ưu tú của câu lạc bộ tàu ngầm thế giới. Đó là Mỹ (14 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược và 54 tàu ngầm mang tên lửa đa năng), Trung Quốc (6 và 52, trong đó 6 và 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân), Nga (12 và 26), Anh (4 và 7), Pháp (4 và 4) và Ấn Độ (1 và 15). Tất cả các tàu ngầm của Mỹ, Anh và Pháp đều chạy bằng năng lượng hạt nhân; các nước khác có cả tàu ngầm hạt nhân và diesel-điện trong biên chế.
Sau một thời gian, Brazil - quốc gia đã bắt đầu chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân của mình - có thể gia nhập câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân. Năm 2019, Mỹ đã đặt hàng 9 tàu ngầm đa năng lớp Virginia mới, 8 trong số đó sẽ nhận thêm 28 module để bắn tên lửa hành trình Tomahawk; tiếp theo, sẽ là đóng 12 tàu ngầm chiến lược lớp Ohio mới nhất với 16 tên lửa đạn đạo SLBM.
Hải quân Trung Quốc cũng đang bổ sung các tàu điện hạt nhân và diesel-điện mới. Đến năm 2030, Bắc Kinh có kế hoạch tăng quy mô hạm đội tàu ngầm lên 76 chiếc - triển khai tàu ngầm đa năng kiểu 095 mới (tương tự như tàu Virginia của Mỹ) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược kiểu 096. Đồng thời, Trung Quốc đang từng bước giảm bớt sự tụt hậu về công nghệ so với phương Tây.
Năm 2021, Hải quân Nga sẽ bổ sung tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Oleg (dự án 955A “Borey-A”) và các tàu ngầm hạt nhân đa năng Kazan và Novosibirsk (dự án 885 Ash). Đến năm 2028, người Nga có kế hoạch đóng thêm 5 tàu ngầm hạt nhân thuộc dự án 955A Borey-A.
Ngoài ra, Moscow tiếp tục đưa vào trang bị các tàu ngầm diesel-điện đa năng. Năm nay Hải quân Nga sẽ tiếp nhận tàu ngầm Magadan (dự án 636.3). Đến năm 2024, Nga sẽ có 6 tàu ngầm như vậy.
Ngư lôi hạng nặng dùng động cơ hạt nhân 2M39 Poseidon với đầu đạn hạt nhân 2 megaton và tầm bắn lên tới 10.000km đặc biệt nguy hiểm. Tàu mang những siêu ngư lôi này phải là một tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng (dự án 09852). Chiếc đầu tiên trong số đó là tàu ngầm hạt nhân Belgorod (đang được thử nghiệm). Nga đang phát triển các loại vũ khí dưới nước, các phương tiện dưới biển sâu khác nhau để làm gián đoạn thông tin liên lạc, cáp, lắp đặt thiết bị nghe trộm và với các mục đích khác.
Nhiều triển vọng thương mại quốc phòng
Theo Báo cáo phân tích thị trường tàu ngầm 2021, thị trường tàu ngầm được phân khúc theo địa lý thành năm khu vực chính bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latin, và Trung Đông và châu Phi. Trong số các khu vực này, thị trường ở Bắc Mỹ được dự đoán sẽ chiếm thị phần lớn nhất vào năm 2021, có thể chủ yếu là do thương mại hàng quốc phòng của Mỹ ngày càng tăng.
Hiện nay, một số công ty như BAE Systems, Lockheed Martin Corporation, Thales Group đã đầu tư vào tàu ngầm. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương tiện không người lái dưới nước, tăng đầu tư cho tàu ngầm, hiện đại hóa nhanh chóng các hạm đội tàu ngầm và sự gia tăng sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tàu ngầm toàn cầu.
Hơn nữa, sự ra đời của công nghệ in 3D và chương trình tàu ngầm lớp Columbia của Hải quân Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn.
Thị trường tàu ngầm toàn cầu ước tính đạt tốc độ tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 4,24% trong giai đoạn từ 2018 đến 2023. Năm 2017, thị trường tàu ngầm toàn cầu dẫn đầu là Bắc Mỹ với 36,92%, tiếp theo là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương với 27,99 % và 22,53% tương ứng. châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất đối với tàu ngầm trong giai đoạn dự báo.
Thị trường Bắc Mỹ thống trị thị trường toàn cầu và có khả năng tăng trưởng với tốc độ đáng kể. Sự hiện diện của các công ty chủ chốt như Lockheed Martin Corporation, General Dynamics Corporation và Huntington Ingalls Industries, dẫn đến sự thống trị của khu vực này trên thị trường toàn cầu. Hơn nữa, chi phí quân sự ngày càng tăng của Bộ Quốc phòng Mỹ trong những năm gần đây đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhu cầu trong khu vực này.
BAE Systems (Anh), Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. Ltd (Hàn Quốc), Fincantieri SpA. (Italy), General Dynamics Corporation (Mỹ), Huntington Ingalls Industries (Mỹ), Kawasaki Heavy Industries (Nhật), Lockheed Martin Corporation (Mỹ), Mazagon Dock Shipbuilders Limited (Ấn Độ), Saab AB (Thụy Điển) và Thales Group (Pháp) là những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tàu ngầm. General Dynamics Corporation, Lockheed Martin Corporation và BAE Systems là những công ty dẫn đầu, chiếm gần 50% thị trường tàu ngầm toàn cầu vào năm 2017.
Báo cáo phân tích thị trường tàu ngầm 2021 dự báo, theo phân loại (thành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm điện-diesel và tàu ngầm tên lửa đạn đạo), phân khúc tàu ngầm tên lửa đạn đạo được dự báo sẽ đạt CAGR cao nhất là 4,89% trong giai đoạn dự báo; theo ứng dụng (giám sát, chiến đấu, nghiên cứu khoa học, phát hiện tài nguyên dầu, giám sát môi trường biển và các lĩnh vực khác), phân khúc tàu ngầm chiến đấu được dự báo sẽ đạt CAGR cao nhất 4,60%.
Đồng thời, trong giai đoạn dự báo 2018-2023, dựa trên mục đích chung (quân sự và thương mại), phân khúc quân sự được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ CAGR cao hơn là 4,43%; Bắc Mỹ sẽ thống trị thị trường tàu ngầm từ năm 2018 đến năm 2023, dự kiến sẽ đạt tăng trưởng CAGR là 4,25%, trong giai đoạn dự báo, đạt quy mô thị trường là 10.588,3 triệu USD vào cuối năm 2023.