Báo cáo về buôn bán vũ khí của tổ chức IHS Global công bố ngày 12/6 cho thấy, tổng giá trị của thị trường vũ khí toàn cầu năm 2015 đạt 65 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014.
Danh sách các quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong năm 2015. (Nguồn: IHS Global) |
Theo báo cáo trên, khối lượng vũ khí mà Saudi Arabia nhập khẩu năm 2015 tăng tới 50%, đạt 9,3 tỷ USD, và đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí. Ngoài ra, nhu cầu về vũ khí cũng tăng lên ở hầu hết các nước Trung Đông và khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân của việc Saudi Arabia tăng nhập khẩu vũ khí là do chiến dịch quân sự của liên quân do quốc gia này đứng đầu ở Yemen và những căng thẳng giữa nước này với Iran. Năm 2015, chính quyền Riyadh đã mua các tiêm kích F-15, trực thăng Apache, cũng như các loại vũ khí độ chính xác cao, máy bay không người lái và thiết bị giám sát.
Đứng thứ hai về nhập khẩu vũ khí là Ấn Độ và thứ ba là Australia. Ai Cập đứng thứ tư thế giới về nhập khẩu vũ khí, với 2,3 tỷ USD trong năm 2015. Cho đến năm 2013, nước này chỉ chi khoảng 1 tỷ USD/năm mua sắm vũ khí. Iraq cũng chi tiêu cho quân sự ngang ngửa Ai Cập, chủ yếu do nước này đang giao tranh kịch liệt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở tỉnh Anbar cũng như chuẩn bị cho "trận chiến cuối cùng" với nhóm khủng bố này để chiếm lại thành phố Mosul.
Theo dự báo của IHS, trong ba năm tới, do giá dầu biến động, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải giảm mua sắm vũ khí. Báo cáo viết: "Các quốc gia sẽ chi tiêu cho vũ khí ít hơn và sẽ có nhiều hơn các hoạt động, nhằm gây ảnh hưởng tới khu vực".
Mỹ vẫn là quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới trong năm 2015. (Nguồn: IHS Global) |
Báo cáo cũng dự đoán Nga, hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, sẽ tăng cường bán vũ khí cho Iran. Tehran sau khi được phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ nâng cấp lực lượng không quân. Đây là "sự khởi đầu lớn", có thể tiêu tốn từ 40-60 tỷ USD.
Tại châu Á, các quốc gia giáp Biển Đông đã tăng cường mua sắm vũ khí lên 71% so với năm 2009 do lo ngại sự gia tăng quân sự của Trung Quốc. Theo IHS, máy bay và tên lửa chống tàu chiến là những khí tài được các quốc gia khu vực này ưa thích.
Nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất năm 2015 vẫn là Mỹ, bán được gần 23 tỷ USD vũ khí và khí tài, trong đó có 8,8 tỷ USD bán cho Trung Đông. Doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng nhờ bán máy bay và các hệ thống kèm theo. Báo cáo cho rằng, trong tương lai, tổng kim ngạch buôn bán vũ khí của Mỹ có thể vượt ngưỡng 30 tỷ USD, do việc cung cấp máy bay F-35 tăng lên".
Bên cạnh đó, vị trí số hai về xuất khẩu vũ khí của Nga có thể bị Pháp đe dọa vào năm 2018, sau khi quốc gia này giành được hợp đồng đóng tàu ngầm 39 tỷ USD của Australia đầu năm nay.
Tên lửa Antares của NASA phát nổ sau khi cất cánh vào tháng 10/2014.. (Nguồn: Reuters) |