Nhỏ Bình thường Lớn

‘Thiên đường’ du lịch châu Âu - khi tăng trưởng không còn là một lựa chọn

Nhiều điểm du lịch ở châu Âu đang mong đợi những con số kỷ lục trong mùa Hè này, trong khi người dân địa phương ngày càng gặp khó khăn. Họ muốn giá thuê nhà thấp hơn và phân phối nguồn lực công bằng hơn.
‘Thiên đường’ du lịch châu Âu - khi tăng trưởng không còn là một lựa chọn
Người dân Barcelona biểu tình phản đối khách du lịch. (Nguồn: AP)

Một số thành phố châu Âu đặc biệt nổi tiếng với khách du lịch đã chứng kiến ​​sự phản đối của người dân địa phương. Ở Venice, người biểu tình cho rằng, thành phố đang bị ảnh hưởng bởi ngành du lịch, khiến người dân địa phương không có điều kiện tiếp cận nhà với giá cả phải chăng.

Khoảng 49.000 người sống ở trung tâm thành phố lịch sử Venice của Italy. Theo ước tính, hơn 20 triệu khách du lịch đến thăm thành phố này mỗi năm. Và vì vậy, cuộc sống hằng ngày của một số người trở thành “phông nền” cho những kỷ niệm về kỳ nghỉ của những người khác.

Châu Âu là lục địa thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất thế giới. Và Venice không phải là thành phố duy nhất tại đây chịu tác động của du lịch đại chúng.

Ngày càng có nhiều báo cáo về các cuộc biểu tình phản đối du lịch ở Barcelona và các thành phố khác của Tây Ban Nha. Và tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Prague của Czech, cũng như thành phố Amsterdam của Hà Lan, các báo cáo về căng thẳng giữa du khách và người dân địa phương ngày càng chồng chất.

Ở mỗi thành phố, những lý do dẫn đến những căng thẳng ngày càng gia tăng này đều giống nhau: giá thuê nhà tăng, giá bất động sản tăng cao và tranh luận xung quanh câu hỏi ai được phép sử dụng nguồn tài nguyên nào.

Nguồn thu từ du lịch thường không đủ

Du lịch thường là nguồn thu nhập số một của các thành phố và khu vực trên khắp lục địa già. Theo ước tính của Liên minh châu Âu (EU), du lịch chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối, với khoảng 12,3 triệu người làm việc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, "đây là những con số trừu tượng", Sebastian Zenker, chuyên gia về du lịch và tiếp thị tại Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch), cho biết.

Ông giải thích rằng, người dân địa phương không thu được gì từ khoản doanh thu này. Nếu giá thuê nhà tăng thì cùng với đó, bất động sản trở nên quá đắt hoặc các nhà hàng tính giá mà chỉ khách du lịch mới có thể trả được. Theo ông, để hạn chế điều này, người dân địa phương cần có cảm giác rằng mọi thứ đã được cân bằng.

Chuyên gia này nói, mặc dù nhiều người đã có thu nhập từ du lịch nhưng chỉ một số ít có thể kiếm được nhiều tiền chứ chưa nói đến đủ sống vì hầu hết tiền lương đều quá thấp.

Ở Bồ Đào Nha, mức lương tối thiểu là 4,85 Euro (5,25 USD) mỗi giờ. Ở Tây Ban Nha, con số này vào khoảng 6,87 Euro. Trong khi đó, tại Italy, không có quy định về mức lương tối thiểu.

Vậy tiền thu từ du lịch đi đâu?

Câu hỏi đặt ra là, số tiền mà du khách đến các nước Địa Trung Hải chi tiêu đi đâu? Theo Paul Peeters, nhà nghiên cứu về du lịch và vận tải bền vững tại Đại học Khoa học ứng dụng Breda ở Hà Lan, phần lớn trong số đó thuộc về các hãng hàng không, chuỗi khách sạn lớn, các công ty quốc tế và ngành du lịch biển.

Khi tính toán dòng tiền du lịch, phương thức vận chuyển có thể là yếu tố quyết định. Mọi người trên du thuyền thường ngủ và ăn trên tàu. Những người mua các gói kỳ nghỉ và đặt chuyến bay, khách sạn và bữa ăn thông qua các nhà cung cấp lớn hiếm khi chi nhiều tiền cho các dịch vụ trên mặt đất.

Trong khi đó, các hoạt động này lại góp phần gây ô nhiễm và tiêu thụ các nguồn tài nguyên có giá trị như nước, làm tăng thêm gánh nặng cho người dân địa phương, có thể làm trầm trọng thêm cảm giác bất bình đẳng và gây căng thẳng giữa du khách và người dân.

Chuyên gia Zenker nói: “Tất cả các bên tham gia đều biết rằng họ muốn du lịch. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là 'làm thế nào?' và 'loại hình gì?'".

Tiếp thị lại, đặt quy tắc và lệnh cấm

Ở nhiều nơi, các chính trị gia đã bắt đầu hành động. Ví dụ, tại Amsterdam, chính quyền đã cấm việc xây dựng khách sạn mới. Thành phố cũng đã cố gắng giải quyết vấn đề du lịch tiệc tùng và ma túy bằng các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu.

‘Thiên đường’ du lịch châu Âu - khi tăng trưởng không còn là một lựa chọn
Dự kiến, các tàu du lịch lớn sẽ không được phép cập cảng Amsterdam kể từ năm 2026. (Nguồn: ZUMA)

Ở Lisbon và Palma de Mallorca (Tây Ban Nha), thị trường cho thuê từ lâu đã vượt xa nhu cầu của người dân và nền kinh tế thực. Các nhà chức trách hiện đang cố gắng kiềm chế sự phát triển này.

Ví dụ: Không cấp giấy phép mới cho hoạt động cho thuê bất động sản thông qua các nền tảng trực tuyến như Airbnb. Palma de Mallorca cũng đang áp đặt giới hạn thời gian cho khách du lịch thuê bất động sản.

Trong khi đó, Barcelona đang thực hiện một cách tiếp cận quyết liệt hơn: Thành phố xứ Catalan này thông báo, giấy phép cho thuê khoảng 10.000 căn hộ nghỉ dưỡng sẽ hết hạn vào năm 2028, với mục tiêu giảm bớt áp lực lên thị trường nhà đất ở một nơi giá thuê đã tăng hơn 60% trong 10 năm qua.

Các tàu du lịch cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn và mức phí cao hơn. Các tàu lớn đã không được phép cập bến trung tâm Venice kể từ năm 2021 và Amsterdam đang có kế hoạch đưa ra các hạn chế tương tự vào năm 2026. Điều này nhằm không chỉ hạn chế số lượng khách du lịch vào thành phố mà còn giảm ô nhiễm không khí.

Quảng bá du lịch “chất lượng cao”

Giống như Amsterdam, Mallorca cũng đang cố gắng rũ bỏ hình ảnh là một điểm đến tiệc tùng. Nhìn chung, hòn đảo muốn thu hút ít khách du lịch hơn nhưng lại ưu tiên những người sẵn sàng chi tiền. Nhưng việc thúc đẩy cái gọi là “du lịch chất lượng cao” có thực sự là giải pháp?

“Không”, Macia Blázquez-Salom, Giáo sư địa lý và nhà hoạt động ở Palma de Mallorca, nói. Bà cho rằng, việc tập trung vào du lịch xa xỉ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.

Bà giải thích: “Du lịch nghỉ dưỡng bãi biển và tiệc tùng chỉ giới hạn ở những địa điểm cụ thể, về cơ bản nó hoạt động giống như một nhà máy. Điều đó có nghĩa là tác động trực tiếp của những chuyến du lịch này chỉ giới hạn ở một phần nhỏ các đô thị trên đảo”.

Theo bà, những khách du lịch khá giả có kỳ vọng cao hơn, uống nhiều nước hơn, có xu hướng thực hiện nhiều chuyến đi ngắn hơn và cũng có thể mua bất động sản nếu cần thiết.

Chuyên gia giải thích rằng, điều này đã thúc đẩy "quá trình đô thị hóa và đầu cơ bất động sản", có tác động trực tiếp hơn nhiều đến cuộc sống của người dân địa phương.

Vậy giải pháp khả thi là gì?

Phần lớn ngành du lịch chỉ nghĩ đến việc tiếp tục tăng trưởng. Số lượng khách kỷ lục được chào đón đến các điểm nóng du lịch hằng năm. Nhưng đối với nhiều người dân địa phương ở Barcelona, ​​​​Venice và Palma, tăng trưởng nhiều hơn không còn là một lựa chọn.

Chuyên gia Peeters nói, một cách tiếp cận khả quan là giữ số lượng khách du lịch ở mức mà các thành phố và đô thị vẫn có thể đáp ứng được. Ông cho rằng các yếu tố sinh thái và xã hội sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc này.

Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi những thỏa thuận tương ứng với các hãng hàng không và chính quyền địa phương, những nơi có mô hình tài chính chủ yếu hướng đến tình trạng dư thừa công suất và do đó sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/7): Ba ‘con nợ’ lớn nhất của IMF, ra mắt tàu container đầu tiên chạy bằng methanol, Mỹ giảm tốc, Trung Quốc đáp trả EU

Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/7): Ba ‘con nợ’ lớn nhất của IMF, ra mắt tàu container đầu tiên chạy bằng methanol, Mỹ giảm tốc, Trung Quốc đáp trả EU

OPEC nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh nhất kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine, ...

Khí đốt Nga vẫn có quyền lực quá lớn ở châu Âu, một cú sốc nhẹ về nguồn cung cũng khiến thị trường EU ‘lệch sóng’

Khí đốt Nga vẫn có quyền lực quá lớn ở châu Âu, một cú sốc nhẹ về nguồn cung cũng khiến thị trường EU ‘lệch sóng’

Sự cố ngừng hoạt động tại một nhà máy khí đốt ở Na Uy gần đây đã cho thấy thị trường khí đốt châu Âu ...

Quên Đức đi, đây mới là động lực kinh tế mới của châu Âu; ý kiến trái chiều từ ‘cơn sốt Địa Trung Hải’ mang tên ‘khách du lịch Mỹ’

Quên Đức đi, đây mới là động lực kinh tế mới của châu Âu; ý kiến trái chiều từ ‘cơn sốt Địa Trung Hải’ mang tên ‘khách du lịch Mỹ’

Những du khách Mỹ chi tiêu thoải mái đang thúc đẩy du lịch bùng nổ mạnh mẽ ở miền Nam châu Âu, làm đảo lộn ...

Một yếu tố bất ngờ từ Mỹ đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt

Một yếu tố bất ngờ từ Mỹ đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt

Giá khí đốt tại châu Âu tăng cao do các thương nhân đánh giá rủi ro nguồn cung trong bối cảnh thời tiết nắng nóng ...

Giá tiêu hôm nay 12/7/2024, thị trường xuất hiện điều hiếm thấy, giao dịch thực tế ảm đạm, doanh nghiệp xuất khẩu gặp áp lực lớn

Giá tiêu hôm nay 12/7/2024, thị trường xuất hiện điều hiếm thấy, giao dịch thực tế ảm đạm, doanh nghiệp xuất khẩu gặp áp lực lớn

Giá tiêu hôm nay 12/7/2024 tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch đồng loạt ở mốc ...

(theo DW)