Kể từ năm 2005, ông Amal Graafstra ở thành phố Seattle (Mỹ) - người sáng lập ra công ty "Dangerous Things" - đã bắt đầu khám phá ra thiết bị cấy ghép sinh học dưới da. Thiết bị này được cho là có tiềm năng ứng dụng rộng rãi bởi những lợi ích mà nó mang lại cũng như sự tương tác về an ninh.
Nhiều người lo ngại thiết bị này sẽ để lại những tác dụng phụ khi ở dưới da. Nhưng theo ông Graafstra, thiết bị này rất an toàn. Để chứng minh, ông đã tự cấy ghép thiết bị vào hai cánh tay của mình.
Nhiều nỗ lực
Khi được hỏi ý tưởng phát minh ra thiết bị cấy ghép này, Graafstra cho biết, ông cảm thấy khó chịu với việc luôn phải mang theo chìa khóa khắp nơi rồi làm mất chúng. Chính vì thế, ông đã bắt đầu khám phá việc nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến (RFID) và công nghệ giao tiếp khoảng cách gần (NFC) như một sự thay thế cho những chiếc chìa khóa.
Công dụng phổ biến nhất của một chip RFID cấy trên tay là bạn có thể mở cửa căn hộ của mình hay cửa xe ô tô chỉ bằng một cú lướt tay rất nhẹ. Bên cạnh đó, khi được đồng bộ hóa, các chip RFID có thể mở bất kể thiết bị cá nhân nào như máy tính, điện thoại. Bạn sẽ không cần đến các thẻ quẹt từ hay chìa khóa cho những cánh cửa và cũng không cần mật khẩu cho điện thoại hay máy tính.
Tuy nhiên, vào năm 2005, RFID có hình dáng như những chiếc thẻ làm bằng nhựa. "Tôi không muốn mang theo một thứ khác thay thế cho chiếc chìa khóa của mình, thứ thay thế phải thật sự gọn nhẹ và tiện lợi chứ không phải là những chiếc thẻ nhựa to bản này", ông Graafstra cho hay. Chính vì điều này mà ông đã bắt đầu hợp tác với rất nhiều bác sĩ và giáo sư để phát triển những con chip RFID cấy ghép vào cơ thể. Đến năm 2013, ông bắt đầu chiến dịch gây quỹ cộng đồng qua Internet và đã thu được 30.000 USD (cao gấp ba lần so với dự tính) để cho ra đời những thiết bị cấy ghép dưới da.
Thiết bị này được làm bằng sắt ferit, bọc trong một ăngten đồng và được bảo vệ trong một lớp kính có tính tương thích sinh học (biocompatible). Đặc biệt, loại chip này sử dụng rất ít kim loại, không sử dụng pin hay bất kỳ một nguồn năng lượng nào. Chúng hoạt động một cách thụ động dưới da và được kích hoạt khi ở trong phạm vi 3 mm với một thiết bị được gọi là bộ phận đọc dữ liệu. Bộ phận này sẽ đọc những thông tin mà con chip trên cơ thể người sử dụng truyền sang dữ liệu để đưa ra quyết định có mở điện thoại hay cánh cửa hay không.
Liệu có thực sự an toàn?
Chip được lập trình với thông tin cá nhân của người mang thông qua ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, nhiều người tỏ ra lo sợ vì chỉ cần một cú chạm nhẹ là các tin tặc đã có thể đánh cắp thông tin cá nhân của họ. Song, mật mã mở điện thoại thông minh chỉ được tạo lập mỗi lần bạn đưa chip sát vào nó. Do đó, không ai có thể biết được mật mã kích hoạt thiết bị. “Hãy yên tâm, bởi phạm vi tiếp cận được là rất nhỏ nên không một kẻ xấu nào có thể xâm nhập vào hệ thống của bạn. Bên cạnh đó, những con chip đã được kiểm tra chất lượng, bao gồm: áp lực, nhiệt độ và một số xét nghiệm vô trùng... trước khi đem vào sử dụng", ông Graafstra cho hay.
Trong tương lai, ông dự định sẽ phát triển thiết bị sinh học cấy ghép vào não. Bởi theo ông, não cũng cần được nâng cấp, và ông cũng hy vọng thiết bị cấy ghép này có thể kiểm soát tốt hơn các chức năng của não.
Nhìn chung, tiềm năng của thiết bị này là rất lớn và ông Graafstratin rằng việc cấy ghép chip sẽ được phổ biến trong tương lai, nhưng để làm được điều đó, trước tiên cần phải loại bỏ được mối quan ngại về khả năng các “tin tặc sinh học” sẽ xâm nhập thiết bị để phá hoại người dùng.