Ngày 7/9, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10-11. Gió mạnh do bão đã gây tốc mái, hư hại nhà cửa, công trình điện, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng sản xuất của người dân và Nhà nước.
Từ ngày 5-12/9, khu vực tỉnh Bắc Binh do ảnh hưởng mưa của bão và sau bão đã có mưa rất to với lượng mưa trung bình 340mm, có nơi gần 500mm đã gây úng ngập cho nhiều diện tích lúa, hoa màu, khu công nghiệp, khu đô thị trong tỉnh.
Lực lượng quân đội, công an cùng nhân dân xử lý sự cố vỡ bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê tiếp giáp giữa TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) và xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội ngày 14/9. (Nguồn: Báo Lao động) |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh, ngày 15/9, mực nước lũ trên sông Cầu đã giảm xuống dưới mức báo động 3, trong khi sông Thái Bình đã giảm xuống dưới mức báo động 2.
Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã ra công điện rút các lệnh báo động cấp 3 trên sông Cầu và báo động cấp 2 trên sông Thái Bình.
Tuy nhiên, Ban Chỉ huy vẫn yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan và ban chỉ huy các địa phương như Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Bắc Ninh tiếp tục cử người tuần tra và canh gác đê để kịp thời xử lý các sự cố, đặc biệt là hệ thống công trình trên tuyến đê tả Đuống và hữu Đuống.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và lũ lụt đã khiến tỉnh Bắc Ninh bị thiệt hại rất lớn. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 35.414 cây bóng mát bị đổ, gãy; 82.441 con gia cầm bị chết; 7.500m2 chuồng trại bị tốc mái; mất 3.400,21 tấn thủy sản và nhiều công trình, phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và phá hủy hoàn toàn; 9.743,1ha lúa bị đổ và ngập nước; 971,1ha rau màu, 939,6ha cây ăn quả, 11ha hoa, cây cảnh và 25,98ha diện tích nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng, tốc mái.
Theo thống kê của tỉnh Bắc Ninh, tổng giá trị thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó: Về sản xuất nông nghiệp khoảng 220 tỷ đồng; về cơ sở hạ tầng khoảng 600 tỷ đồng; về đê điều, thủy lợi khoảng 180 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Sau bão số 3, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng chống và khắc phục. Tính đến hết ngày 14/9, tỉnh đã huy động lực lượng tổ chức giải quyết triệt để và hiệu quả 110 sự cố về đê điều, bảo đảm an toàn về người, phương tiện.
Đáng chú ý là đã xử lý 27 vị trí sủi đùn, thẩm lậu mái đê, tổ mối trong thân đê trên tuyến hữu Cầu, huyện Yên Phong, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh; xử lý 4 sự cố nước tràn qua mặt đê với chiều dài 2.450m ở địa phận thành phố Bắc Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (thứ 3, từ trái sang) cùng các cơ quan, ban, ngành tỉnh đến thăm, động viên người dân khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Các lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã tìm mọi biện pháp vận động 655 hộ dân (2.749 nhân khẩu) trong vùng bị ngập úng và có nguy ngập úng cao tại các huyện Gia Bình, Tiên Du, Yên Phong, TP Bắc Ninh, di dời đến vị trí an toàn.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả mà bão số 3 để lại, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng có hướng hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu, xem xét, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tính chất, mức độ tàn phá của bão số 3 trong thực tiễn, kịp thời giúp nhân dân khôi phục, ổn định sản xuất.
Cũng trong ngày 15/9, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn gửi thư cảm ơn lực lượng vũ trang, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong phòng chống bão số 3.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh kêu gọi lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân tiếp tục hỗ trợ nhân lực, phương tiện để khắc phục hậu quả bão lũ với tinh thần khẩn trương nhất, bảo đảm đưa cuộc sống của nhân dân và lao động, sản xuất kinh doanh bình thường trở lại.