Trở thành Đại sứ Thiết kế Italy tại Việt Nam năm 2018, ông có thông điệp gì muốn chia sẻ?
Là một Đại sứ thiết kế tại Việt Nam không có nghĩa tôi là người giỏi nhất. Điều tôi muốn nhấn mạnh là thiết kế là lĩnh vực quan trọng đối với mọi quốc gia. Ở các nước phát triển, thiết kế là một ngôn ngữ thú vị của ngành công nghiệp. Nhờ có thiết kế, chúng ta có trang phục, phụ trang, đồ nội thất. Italy là quốc gia đầu tiên biết kết hợp sự khéo léo của thủ công, vẻ đẹp của văn hóa, sáng tạo của thiết kế và tốc độ hiệu quả của ngành công nghiệp. Chúng tôi đang cho ra sản phẩm tuyệt vời, bằng phương pháp đỉnh cao, được cả thế giới công nhận và ngưỡng mộ.
Ở đất nước chúng tôi, có rất nhiều câu chuyện đầy cảm hứng bắt nguồn từ việc thiết kế như một huyền thoại nhà thiết kế xe máy đầu tiên tên là Corradino D'Ascanio, hay cả chiếc điện thoại đầu tiên cũng được một kỹ sư người Italy thiết kế và cho đến nay, điện thoại ngày càng được thiết kế thuận tiện hơn cho việc sử dụng. Theo tôi, những sản phẩm thiết kế từ hàng trăm năm trước và những thiết kế mới nhất, tất cả đều dựa trên cảm xúc từ cuộc sống đời thường.
Giáo sư Aldo Colonetti - Đại sứ Thiết kế Italy tại Việt Nam năm 2018. |
Vậy trong thiết kế ông cho rằng đâu là những yếu tố quan trọng?
Tôi cho rằng, có hai yếu tố quan trọng là tính bền vững và nghệ thuật thủ công, đặc biệt là sự khéo léo khi vận dụng hai yếu tố này. Những nhà thiết kế là những người tạo ra những điều mới mẻ, nhưng người thợ thủ công là người cụ thể hóa những ý tưởng đó. Từ bền vững là từ rất cụ thể, nhưng phải được nhìn trong cả quá trình biến đổi. Thiết kế bền vững chú trọng không chỉ về nguyên liệu mà cần tính đến yếu tố môi trường sử dụng nó.
Giáo sư Aldo Colonetti là nhà thiết kế Italy, đồng thời là một nhà triết học đã trở thành Đại sứ thiết kế Italy tại Việt Nam năm 2018. Aldo Colonetti làm việc chính tại Milan - thủ đô thời trang của Italy. |
Theo ông, phải làm gì để các nước cùng nhận thức tích cực hơn trong lĩnh vực thiết kế bền vững? Italy muốn chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này?
Tôi muốn nói rằng, thiết kế không có biên giới. Chủ đề bền vững là chủ đề không riêng của một quốc gia nào mà tất cả cùng quan tâm, cũng như không có đường biên giới nào mà các nước đều cùng hướng tới. Mục tiêu của chúng ta là cùng hướng tới sản phẩm có chất lượng cao và giá cả càng giảm xuống.
Thiết kế bền vững chính là một cuộc cách mạng và luôn có những điều mới mẻ. Italy là một trong những nước có lĩnh vực thiết kế lớn nhất thế giới. Ngành thiết kế của chúng tôi rất hữu dụng và có thể mang những mới mẻ và chất lượng đến tất cả các bạn. Ở đất nước tôi, có những hãng thời trang được làm từ xưởng sản xuất chỉ có 20 người làm thôi, chứng tỏ con người tận dụng hết tài hoa của mình để sản xuất ra những sản phẩm dành cho thế giới.
Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ từ thành phố Venice. Tại đây, chúng tôi chỉ đi bằng thuyền và chỉ dẫn giao thông bằng các cọc và lều dựng lên. Theo thời gian những nguyên liệu này bị hỏng, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc tái sử dụng cọc và lều cũ bằng cách thiết kế làm bàn và khay đựng đồ uống...
Ông có nhận xét gì về nhà thiết kế Việt Nam?
Tôi cũng quen một số nhà thiết kế và kiến trúc sư Việt Nam đang làm việc ở Italy. Họ trở thành cộng sự của các nhà thiết kế nổi tiếng của Italy. Khi làm việc với một số nhà thiết kế của Việt Nam, tôi nhận thấy họ rất giỏi về chi tiết và hiểu biết về nguyên liệu, đã và đang vận dụng tài hoa của mình để tạo ra sản phẩm tốt phục vụ thế giới.
Tôi tin chắc các nhà thiết kế có thể làm nên những tác phẩm chất lượng cao nếu như hợp tác tốt với các thợ thủ công, cũng như áp dụng các tiến bộ của thế giới. Tôi cũng ấn tượng với công trình Nhà Triển lãm Việt Nam của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa tham dự Triển lãm quốc tế Expo 2015 tại Milan. Với tôi, giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế.
Được biết, đây là lần đầu tiên ông tới Hà Nội. Ông có ấn tượng gì về kiến trúc ở đây?
Tôi đã có dịp đi dạo qua để hiểu hơn về kiến trúc của các bạn. Phải nói rằng, kiến trúc của các bạn không “to tát”, nhưng tôi thích Hà Nội hơn Thượng Hải – thành phố chủ yếu với các tòa nhà cao tầng làm mất đi một số bản sắc tự nhiên. Với tôi, một thành phố rất cần có truyền thống chứ không phải quá quốc tế hóa. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và những giá trị lịch sử để lại. Tôi cũng đã đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và ước mơ giá như có một mô hình giống như vậy ở đất nước chúng tôi.