Thông cáo báo chí ngày 16/6 của ông Geert Cappelaere, Tổng Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của UNICEF cho biết, tổ chức này đang trong tình trạng thiếu hụt kinh phí trầm trọng nhất kể từ khi UNICEF tham gia hỗ trợ những nạn nhân của cuộc khủng hoảng Syria - một trong những chiến dịch nhân đạo lớn nhất trong lịch sử tổ chức này.
Đoàn xe cứu trợ Syria. (Nguồn: EPA) |
Ông cho biết thêm, nhu cầu nhân đạo ở Syria tiếp tục tăng lên từng ngày trong khi áp lực lên các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn từ Syria đã lớn tới mức họ khó có thể đáp ứng được những nhu cầu căn bản cho người tị nạn.
UNICEF đã kêu gọi nguồn ngân quỹ 1,4 tỷ USD cho các hoạt động khẩn cấp của tổ chức này tại Syria và các quốc gia láng giềng là Liban, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập trong năm 2017. Song tới nay, UNICEF mới nhận được chưa tới 25% nguồn kinh phí cần thiết.
Nếu không được cấp thêm kinh phí, một số hoạt động cứu trợ thiết yếu của UNICEF có nguy cơ bị cắt bỏ, bao gồm: cung cấp nước sạch và vệ sinh cho 1,2 triệu trẻ em đang sống trong trại tị nạn, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo dinh dưỡng thiết yếu cho gần 5,4 triệu trẻ em; hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình để duy trì con số gần nửa triệu trẻ em vẫn được đi học; và phân phát quần áo và chăn trong những tháng mùa Đông.
Bước sang năm thứ 7, cuộc chiến Syria đã trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới II.
Tại Syria, gần 6 triệu trẻ em đang cần được hỗ trợ trong khi hơn 2,5 triệu em đang sống tị nạn trên khắp các biên giới Syria. Các quốc gia láng giềng tiếp nhận 80% trong tổng số người tị nạn từ Syria.
UNICEF đã kêu gọi một số biện pháp khẩn cấp đối với cuộc chiến tại Syria, theo đó ưu tiên việc bảo vệ dân thường và quyền của trẻ em; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ và hạ tầng cơ sở như y tế, giáo dục và nước tại các quốc gia tiếp nhận người tị nạn; và cung cấp sự hỗ trợ tài chính vô cùng cần thiết để những tổ chức như UNICEF tiếp tục các hoạt động cứu trợ nhân đạo.