Nhỏ Bình thường Lớn

Thiếu kỹ năng và tài chính, sinh viên nông thôn Trung Quốc dần 'thua cuộc' nơi thành thị

Thiếu tài chính và kỹ năng mềm, nhiều sinh viên xuất thân từ các vùng nông thôn Trung Quốc đang ngày càng tụt xa trong cuộc đua tìm việc làm tại thành thị.
Thiếu kỹ năng và tài chính, sinh viên nông thôn Trung Quốc dần 'thua cuộc' nơi thành thị
Nhiều sinh viên nông thông Trung Quốc "thua cuộc" trên sân chơi việc làm nơi thành thị. (Nguồn: SCMP)

Ma, cô sinh viên gốc Tân Cương sớm nhận ra việc lựa chọn chuyên ngành tiếng Hungary của mình ở trường đại học sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi chương trình học khá nặng mà còn nằm ở vấn đề tài chính - hai yếu tố then chốt ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc của cô sau này, nhất là trong bối cảnh thị trường việc làm của Trung Quốc ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Cô sinh viên 24 tuổi cho biết, cô dần cảm thấy việc lựa chọn ngôn ngữ Trung Âu để theo học là một quyết định sai lầm. Năm 2018, cô đã rời quê nhà từ một quận nhỏ nằm ở Tây Bắc Trung Quốc để theo học đại học tại Bắc Kinh.

“Vào năm học thứ ba, hầu hết các bạn cùng lớp đều đi du học một năm. Tôi thì không đủ khả năng tài chính để du học tự túc nhưng điểm số cũng không đủ để nhận học bổng”, Ma buồn bã tâm sự. Cô cho biết thêm, để theo học đại học ở Bắc Kinh, cô đã phải vay một khoản tiền lớn ở quê nhà.

Giảm lợi thế cạnh tranh

Việc thiếu kinh nghiệm ở nước ngoài chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh của Ma khi gia nhập thị trường việc làm vào thời điểm tháng 6/2023, khi cô sẽ chính thức tốt nghiệp cùng khoảng 11,58 triệu sinh viên khác trên toàn quốc. Các biện pháp phong tỏa để phòng chống Covid-19 và nền kinh tế giảm tốc khiến cho triển vọng thị trường việc làm của Trung Quốc thêm ảm đạm.

Tin liên quan
'Cơn ác mộng' việc làm của lao động trẻ ngành công nghệ Trung Quốc

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, rất nhiều sinh viên đến từ các vùng nông thôn, miền núi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi phải vật lộn từng ngày để trang trải tiền học phí và các chi phí khác tại trường đại học như các hoạt động ngoại khóa hay các khóa du học ngắn hạn.

Điều này khiến cho nhiều sinh viên nông thôn không thể đạt được trình độ hay mức lương khởi điểm như các sinh viên cùng lớp xuất thân từ thành thị.

Những biện pháp phong tỏa cũng là một trở ngại khiến nhiều sinh viên nông thôn Trung Quốc không thể quay lại Bắc Kinh để tiếp tục học và đi thực tập sau khi trở về nhà vào dịp nghỉ Hè.

“Ngay cả khi muốn thực tập ở bên ngoài, tôi cũng không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà. Người Trung Quốc vẫn hay có câu ‘con nhà nông thì lại làm nông’, hồi nhỏ tôi thấy thật nực cười nhưng giờ thì tôi đã cảm nhận thấm thía được sự khác biệt về giai cấp”, Ma chia sẻ.

Sau khi trao đổi với các sinh viên đến từ 4 trường đại học hàng đầu để phục vụ cho nghiên cứu của mình, Phó Giáo sư Ailei Xie từ Đại học Quảng Châu, đồng thời là chuyên gia về giáo dục và xã hội nhận thấy, phần lớn sinh viên nông thôn Trung Quốc đều không đạt được mức lương hàng tháng hoặc mức lương khởi điểm cao như các sinh viên thành thị và độ ổn định trong công việc cũng thấp hơn.

“Sinh viên xuất thân từ nông thôn thường khó làm quen với văn hóa học tập và làm việc tại các trường đại học lớn. Họ thường thiếu chủ động trong việc trang bị hành trang cho công việc sau này cũng như mục tiêu, kế hoạch việc làm rõ ràng”, ông Xie nhận định.

Qua một số nghiên cứu, ông Xie cũng nhận thấy sinh viên nông thôn ít tham gia vào các hoạt động xã hội ở trường đại học hơn so với sinh viên thành thị, vì thế mà những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này như kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm…không được trau dồi.

Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong nhóm tuổi 16-24 là 17,9%, tăng mạnh so với tỷ lệ 5,5% vào tháng 9. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn chưa chính xác khi bỏ qua nhiều sinh viên trở về vùng nông thôn và chưa thể trở lại thành thị do các biện pháp phong tỏa.

Nhiều dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên nông thôn khá cao. Theo Sách Xanh xã hội do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố vào cuối năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên nông thôn là 30,5%, so với 12,28% của sinh viên thành thị.

Đến năm 2019, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cử nhân từ các gia đình nông thôn tìm được việc làm ở khu vực nghèo là 23,8% và 21,1% đối với sinh viên tốt nghiệp dạy nghề ở nông thôn, theo một báo cáo việc làm khác cũng của CASS thực hiện.

Wu Chengye đến từ tỉnh Cam Túc là một trong những sinh viên nông thôn may mắn tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp một trường đại học ưu tú ở Thượng Hải năm ngoái. Sau khi ứng tuyển cho nhiều công ty, doanh nghiệp nhưng không nhận được hồi âm, Wu Chengye đã được một giáo sư trong trường giới thiệu việc làm và nhanh chóng được nhận việc tại một công ty nhà nước.

“Đối với tôi, khi lựa chọn công việc, điều tôi cân nhắc đầu tiên là liệu công ty có thể cung cấp bữa ăn và chỗ ở miễn phí hay không? Điều này ít nhất sẽ giảm bớt một phần gánh nặng cho tôi”, Wu nói.

Khó chồng khó

Nhiều sinh viên nông thôn cho biết, họ nhận thấy cơ hội để giành suất để vào các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc cũng đang dần bị thu hẹp lại. Nếu như những năm 1970, 50% sinh viên năm thứ nhất tại các trường đại học nổi tiếng đến từ các vùng nông thôn thì đến năm 2011, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 14%, theo một bài báo của Kun Yan và Lingli Wu, hai nhà nghiên cứu đến từ Viện Giáo dục tại Đại học Thanh Hoa.

Một nghiên cứu khác của CASS cũng cho thấy, sinh viên nông thôn từ các vùng quê nghèo dù tốt nghiệp từ các trường dạy nghề uy tín vẫn kém cạnh tranh và có mức lương trung bình thấp hơn so với các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín.

Tin liên quan
Theo đuổi nền giáo dục phương Tây, cha mẹ Trung Quốc đổ xô cho con sang Đông Nam Á học trường quốc tế Theo đuổi nền giáo dục phương Tây, cha mẹ Trung Quốc đổ xô cho con sang Đông Nam Á học trường quốc tế

Chuyên gia Xie cho biết thêm: “Các gia đình trung lưu ở thành thị đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đặc biệt là nâng cao vốn văn hóa và xã hội, trong khi các gia đình nông thôn hiếm khi đủ khả năng tài chính để chi trả cho những khoản đầu tư này”.

Sau gần một thập kỷ nghiên cứu, chuyên gia này nhận thấy sinh viên nông thôn ngày càng khó bước lên nấc thang cao hơn, một tình trạng phổ biến trên toàn cầu khi bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.

Theo “Báo cáo dịch chuyển xã hội toàn cầu năm 2020” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, rất ít nền kinh tế có điều kiện thích hợp để thúc đẩy dịch chuyển xã hội và vì vậy, bất bình đẳng thu nhập đã trở nên sâu sắc hơn trên quy mô toàn cầu.

Cũng theo WEF, mặc dù giáo dục ở các trung tâm đô thị có chất lượng ngày càng tiến bộ, Trung Quốc vẫn xếp thứ 45 trong số 82 quốc gia được khảo sát về chỉ số dịch chuyển xã hội, chủ yếu là do sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa các khu vực.

Sinh viên Trung Quốc, Iran và một số quốc gia được miễn lệnh cấm nhập cảnh Mỹ

Sinh viên Trung Quốc, Iran và một số quốc gia được miễn lệnh cấm nhập cảnh Mỹ

Ngày 27/4, Mỹ cho biết sẽ nới lỏng các quy định hạn chế hiện nay liên quan đến Covid-19 đối với các sinh viên quốc ...

Cách Trung Quốc vận dụng sức mạnh mềm trên đất Anh

Cách Trung Quốc vận dụng sức mạnh mềm trên đất Anh

TGVN. Trong bài viết trên Nikkei Asia, nhà báo Anh Lionel Barber, cựu biên tập viên tờ Financial Times nhận định, sức mạnh mềm của ...

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, sinh viên Trung Quốc đổ xô sang Anh du học

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, sinh viên Trung Quốc đổ xô sang Anh du học

TGVN. Thống kê mới nhất cho thấy, số sinh viên Hong Kong đăng ký du học Anh tăng gần 10% lên khoảng 6.400 đơn, trong ...

Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ lo ngại về quy định thị thực

Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ lo ngại về quy định thị thực

TGVN. Nhiều sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ bày tỏ lo ngại bị coi là ...

Trung Quốc kêu gọi sinh viên 'kể câu chuyện tốt đẹp' về quan hệ với Mỹ

Trung Quốc kêu gọi sinh viên 'kể câu chuyện tốt đẹp' về quan hệ với Mỹ

TGVN. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 3/9 thúc giục sinh viên đang học tập tại Xứ cờ hoa - “những đại diện của ...

(theo SCMP)