Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam 2024 tham quan Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chương trình “Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam 2024” sẽ kéo dài 5 ngày tại Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh. Chương trình không chỉ là dịp để các em thiếu nhi kiều bào trở về thăm quê hương, tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, mà còn là cơ hội để các em gặp gỡ, giao lưu với bạn bè đồng trang lứa, cùng nhau xây dựng những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa.
Đoàn gồm 30 học sinh (từ 10 đến 13 tuổi) và 5 giáo viên kiều bào. Ngay từ sáng sớm, Đoàn đã đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Phủ Chủ tịch. Tại đây, các em thiếu nhi vô cùng thích thú khi lần đầu được tận mắt chứng kiến khu nhà sàn Bác Hồ, cho cá ăn và được nghe kể về tình yêu thương của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối đời (1954-1969), hiện còn các di tích, tài liệu, hiện vật gốc và môi trường cảnh quan.
Đoàn tham quan Khu trưng bày tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Lần đầu tiên được tới thăm Lăng Bác, chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, em Miran, thiếu nhi trong Đoàn cho biết: "Em rất yêu Bác Hồ, trên lớp chúng em cũng được cô giáo dạy bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Em rất thích đường Xoài trong Khu di tích Phủ Chủ tịch. Khi về nước, em chắc chắn sẽ kể với các bạn của em về con đường này".
Dù sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, các em nhỏ kiều bào vẫn được bố mẹ dạy tiếng Việt và có thể tự giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Xúc động nhất là khoảnh khắc các em cùng hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Đoàn đến tham quan tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Sau khi tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, Đoàn đã tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Lần đầu tiên được nghe giới thiệu về trường đại học đầu tiên của Việt Nam, các bạn thiếu nhi kiều bào không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước truyền thống khoa cử của quê hương.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông), được xem như biểu tượng của tri thức và của nền giáo dục Việt Nam. Với kiến trúc cổ xưa và những giá trị nhân văn độc đáo, Văn Miếu-Quốc Tử Giám chính là gạch nối lịch sử của Hà Nội xưa và nay, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Trong những năm qua, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Các bạn nhỏ có cơ hội tham quan những công trình kiến trúc cổ như cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, vườn bia tiến sĩ và hiểu biết thêm về Vạn thế sư biểu Chu Văn An; tìm hiểu nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, lưu giữ và thể hiện đặc sắc những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam.
Đoàn tham quan Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc và trải nghiệm làm nón lá. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Cùng ngày, Đoàn đến thăm Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội và trải nghiệm làm nón lá, giúp các bạn nhỏ và giáo viên trong đoàn hiểu hơn về một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của đất nước Việt Nam. Qua sự hướng dẫn tận tình từ các nghệ nhân, đoàn kiều bào không chỉ học hỏi được kỹ thuật làm nón mà còn cảm nhận được sự khéo léo và tinh tế trong từng công đoạn.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hoa - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại khu vực Jeonnam - Gwangju chia sẻ, nhờ hoạt động này mà chị có dịp trổ tài khoe khả năng hội hoạ khi trang trí nón lá. "Nón lá thì người Việt Nam ai cũng biết rồi. Còn cách làm nón lá thì đây cũng là lần đầu tiên mình biết đến. Khi trực tiếp làm và trải nghiệm thì mình thấy rất thú vị, vừa dễ mà vừa khó. Hoạt động này sẽ giúp các con thêm yêu và hiểu chiếc nón lá Việt Nam hơn”, chị Hoa nói.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hoa - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại khu vực Jeonnam - Gwangju trải nghiệm làm nón lá. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chuyến thăm lần này không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm mà còn mang đến sự gắn kết giữa những người con xa quê nhớ về cội nguồn. Chị Đỗ Ngọc Luyến, một kiều bào tại Hàn Quốc chia sẻ trước chuyến hành trình: "Tôi mong muốn cho các con thấy quê Việt Nam đẹp thế nào, lịch sử Việt Nam hào hùng ra sao nên trước khi về quê hương, các cô giáo đã tổ chức dạy cho các con về lịch sử và địa lý của đất nước một cách sơ bộ. Mong rằng chuyến đi sẽ có thật nhiều trải nghiệm thú vị và sẽ trở thành một phần ký ức đẹp với các bạn thiếu nhi".
Dự kiến, hôm nay (6/8), Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc sẽ di chuyển tới tỉnh Ninh Bình và có nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Tuấn Việt) |
| Cơ hội giúp thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thêm yêu Việt Nam Chiều 5/8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ... |
| Trại hè Việt Nam 2024: Tình cảm thiêng liêng với biển đảo của kiều bào trẻ Ngày 21/7, đến với vùng đất biển Đà Nẵng, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2024 đã có ... |
| Hành trình ý nghĩa của Trại Hè Thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2024 Với chủ đề 'Tự hào dân tộc Việt Nam', Trại Hè Thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ ... |
| Bế mạc Trại Hè thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2024 Với chủ đề 'Tự hào dân tộc Việt Nam', Trại Hè thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2024 ... |
| Tổ chức đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam Từ ngày 4-9/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan hữu ... |