Dù mức độ phụ thuộc kinh tế vào Mỹ là khác nhau, nhưng tất cả các quốc gia Mỹ Latin đều chú trọng mối quan hệ với Washington. Vì vậy, các nước này mong muốn tận dụng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8 tại Lima (Peru) là cơ hội tiếp cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng cuối cùng người được cử tham dự Hội nghị lại là Phó Tổng thống Mike Pence..
Mỹ là đối tác thương mại quá lớn
Trong những thập kỷ gần đây, ngoài phụ thuộc vào lượng xuất khẩu sang Mỹ, nhiều quốc gia Mỹ Latin luôn nỗ lực mở rộng thị trường, đa dạng hóa nền kinh tế. Một số đã thành công, nhưng vẫn còn nhiều nước không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của Washington.
Theo số liệu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trong số 34 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần này thì 26 nước coi Washington là đối tác thương mại thứ nhất hoặc thứ hai. Nước phụ thuộc nhiều nhất là Haiti với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 83%, tiếp đến là Mexico và Canada (hai thành viên của Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ - NAFTA), đạt lần lượt 81% và 76%. Bởi vậy, đối với Mexico và Canada, việc ông Trump đề nghị hủy bỏ NAFTA là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số quốc gia may mắn không bị cuốn theo xu thế phụ thuộc này. Có thể kể đến như Paraguay chỉ xuất khẩu 1,7%, Domica xuất khẩu 2% vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Riêng đối với Cuba, từ những năm 1960, hàng xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế theo luật cấm vận kinh tế. Dĩ nhiên, những nước trên có lẽ sẽ không lo ngại nhiều trước mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng là nhà đầu tư số 1 tại khu vực Mỹ Latin. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, nguồn vốn đầu tư của nước này vào Mỹ Latin xếp đầu tiên, tiếp đến là các nước Canada với 353 tỷ, Mexico - 92 tỷ, Brazil - 65 tỷ và Chile với 27 tỷ USD.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pence khẳng định mục tiêu thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với các nước Mỹ Latin tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8. (Nguồn: AP) |
Nguồn ngoại tệ lớn cho quân sự và du lịch
Rõ ràng, thương mại không phải là yếu tố duy nhất mà Mỹ có ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latin. Đối với một số quốc gia tại đây, Mỹ cung cấp nguồn viện trợ quan trọng cho các mục đích quân sự và an ninh.
Trong đó phải kể đến các nước thuộc Cộng đồng Andean (gồm Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela
Trong số 34 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, có hơn 10 nước đến từ vùng Caribbean với ngành du lịch phát triển vô cùng sôi động. Hoạt động du lịch là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của đa số các nước Mỹ Latin. Trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của lượng khách du lịch từ Mỹ.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8 tại Peru. (Nguồn: Reuters) |
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Mexico dẫn đầu khu vực này khi mỗi năm đón 33 triệu lượt khách du lịch Mỹ. Tiếp đó là Canada với 13 triệu và Dominica với 2,7 triệu du khách Mỹ. Jamaica, Costa Rica và Bahamas cũng đón hơn 1 triệu du khách Mỹ mỗi năm.
Ngoài ra, điều gây tranh cãi nhiều nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin chính là vấn đề nhập cư, kèm theo lo ngại lượng kiểu hối gửi về Mỹ Latin sẽ giảm do chính sách bảo hộ và hạn chế nhập cư của Washington.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Đối thoại Liên Mỹ tại Washington, năm 2017, dòng chảy kiều hối từ Mỹ đến 15 nước trong khu vực ước tính khoảng 73 tỷ USD. Trong đó Mexico chiếm đến 1/3, tức là khoảng 28,63 tỷ USD. Với Mexico, lượng kiểu hối khiêm tốn này chỉ chiếm gần 3% tổng thu nhập, nhưng với nhiều nước thì đây là nguồn thu quan trọng. Chẳng hạn như tại Haiti, kiều hối gửi từ Mỹ chiếm tới 33% và tại Honduras là 19,5%.
Với những khó khăn còn hiện hữu phía trước, các quốc gia Mỹ Latin cần tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, nhằm duy trì đà tăng trưởng bền vững cho khu vực hơn 600 triệu dân này.