📞

Thịt “nhân tạo” có làm nên kỷ nguyên mới trong ngành thực phẩm?

16:41 | 30/10/2017
Các nhà khoa học thế giới đã nghiên cứu và phát triển quy trình sản xuất thịt “nhân tạo” nhưng liệu người tiêu dùng có đổi miếng thịt lấy từ con bò được nuôi theo cách bình thường để lấy dòng “thực phẩm từ ống nghiệm” hay không?

Nhu cầu thịt và thực phẩm nói chung ngày càng tăng là một thực tế cần quan tâm. Lượng tiêu thu thịt của thế giới đã tăng gấp đôi trong một thế kỷ qua và lượng thịt cần để đáp ứng nhu cầu của con người dự kiến lên đến 470 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học thế giới đã nghiên cứu và phát triển quy trình sản xuất thịt “nhân tạo”.

Quy trình sản xuất thịt “nhân tạo”

Một phương thức mới có thể tạo ra những miếng thịt ngon lành mà không cần phải chăn nuôi hay giết mổ gia súc với một quy trình khá đơn giản.

Thịt “nhận tạo” được phát triển trong phòng thí nghiệm một cách dễ dàng. (Nguồn: One Green Planet)

Đầu tiên, người ta sẽ lấy các tế bào của động vật và xác định xem tế bào nào có thể tự đổi mới và có khả năng tạo ra nhiều tế bào mới hơn. Họ sẽ cung cấp dinh dưỡng cho tế bào này, đây là những chất dinh dưỡng giống như những gì mà tất cả các loài động vật khác cần để phát triển. Toàn bộ quá trình diễn ra trong nhà máy, khi tế bào phát triển trở thành những miếng protein ngon lành sẵn sàng để được chế biến thành các món ăn. Do không cần phải chăn nuôi hay giết mổ gia súc, sản xuất thịt theo công nghệ này có thể giúp tránh được nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất thịt truyền thống. Sản phẩm này được cho là thân thiện hơn với môi trường, động vật và con người.

Thị trường tiềm năng

Nếu đưa thị “nhân tạo” vào thị trường, thực phẩm này có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Nếu loại thịt này có thể thay thế sản phẩm thịt động vật sống, chúng ta không cần phải giết mổ gia súc nữa. Nhờ đó, con người có thể thôi tranh cãi những vấn đề liên quan tới đạo đức.

Dù không thể thay thế hoàn toàn và ngăn chặn hoàn toàn hoạt động giết mổ gia súc thì thịt “nhân tạo” cũng có thể hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường. Việc sản xuất thịt tại phòng thí nghiệm sẽ giúp cắt giảm hàng tỷ tấn khí nhà kính do việc nuôi gia súc thải ra, trong khi cần ít hơn 99% lượng đất lo với hoạt động chăn nuôi. Con người có thể giải quyết được vấn đề thực phẩm mà không cần lo lắng cho môi trường.

Đối với người chăn nuôi và chính phủ mỗi nước thì việc sử dụng thịt “nhân tạo” có thể giảm được sức ép từ chi phí chăn nuôi gia súc, từ vận chuyển đến tiêu thụ và chi phí giết mổ. Chi phí của thức ăn cho gia súc cũng được cắt giảm. Đó sẽ là một khoản tiết kiệm lớn cho nền kinh tế.

Thịt “nhân tạo” được coi là loại thịt của tương lai. (Nguồn: YouTube)

Việc Trung Quốc mới đây mạnh tay đầu tư 300 triệu USD mua công nghệ thịt “nhân tạo” của Israel đã cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới nhìn thấy triển vọng từ loại thịt này. Đây thực sự là một thỏa thuận lớn nếu xét về việc đến nay chí có 8 công ty trên thế giới “nuôi” thịt từ các tế bào động vật trong phòng thí nghiệm, bao gồm 3 công ty của Israel. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ tiềm năng với hơn 1 tỷ dân.

Còn nhiều tranh cãi

Giới môi trường ủng hộ thịt “nhân tạo” với lập luận ngành gia súc tạo ra khí methane gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu cao gấp 21 lần so với carbon dioxide. Dù vậy, tranh cãi về thịt “nhân tạo” vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra băn khoăn không biết thịt “nhân tạo” có an toàn hay không, đặc biệt đối với trẻ em.

Về khoa học, một số người cho rằng loại thịt “nhân tạo” này sạch hơn nhưng chưa chắc đã an toàn hơn, bởi nó vẫn mang những đặc tính của thịt vốn thường bị cho là thủ phạm làm tăng các bệnh như ung thư.

Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng, thịt “nhân tạo” không dùng thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng và loại bỏ được các yếu tố như: chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu. Ngoài ra, một khi cắt giảm được chi phí sản xuất, thịt “nhân tạo” được cho là rẻ hơn thịt thật.

Trong khi nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh thịt nhân tạo thì nhóm ăn chay lại phản đối điều này vì cho đây là một loại thịt phát triển từ nuôi cấy bắp cơ con vật nên vô hình chung các món ăn có thịt nuôi cấy tổng hợp cũng là ăn thịt động vật, là sát sinh.

Ngoài ra, người tiêu dùng vốn vẫn thích những sản phẩm tự nhiên hoặc chí ít cũng có thành phần tự nhiên. Liệu người tiêu dùng có đổi miếng thịt lấy từ con bò được nuôi theo cách bình thường để lấy dòng “thực phẩm từ ống nghiệm” hay không? Đó vẫn là câu trả lời mà các nhà sản xuất cần tìm ra lời giải.

(theo Reuters, GFI)