Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong cuộc họp ngày 10/7. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại họp báo ngày 10/7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã gọi đây là một bước đi “lịch sử”: "Tôi xin vui mừng thông báo... Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập NATO của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt. Ông cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để phê chuẩn”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra lịch trình cụ thể. Theo ông, Quốc hội nước này có thể mất hai tuần để tiến tới phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.
Vào đêm trước khi Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnus, Lithuania chính thức diễn ra, ông Stoltenberg đã gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong vài giờ đồng hồ.
Các nhà lãnh đạo tỏ ra thoải mái trong cuộc họp. Thủ tướng Ulf Kristersson nói đùa về việc đậu máy bay của mình bên cạnh chiếc máy bay lớn hơn của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay quốc tế ở Vilnus.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Kristersson khẳng định: “Đây là một ngày tốt lành với Thụy Điển”, là “bước tiến lớn” để nước này gia nhập NATO.
Động thái trên sẽ góp phần kết thúc những tranh cãi kéo dài nhiều tháng liên quan đến tư cách thành viên NATO của Stockholm. Trước đó, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập liên minh vào năm ngoái, từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập niên để đáp trả hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Trong khi Helsinki đã chính thức gia nhập NATO vào tháng 4/2023, Stockholm vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tổng thống Erdogan cho rằng, kết quả sẽ phụ thuộc vào cách Thụy Điển thực hiện thỏa thuận đạt được vào năm ngoái trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha).
Theo ông, Stockholm không nên mong đợi sự thỏa hiệp từ Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Thụy Điển chưa hành động quyết liệt để chống lại các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Phát biểu trong ngày 10/7, ông cũng cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên mở đường cho Ankara gia nhập khối đó trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề nghị của Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO.
Trước đó, ngày 6/7, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Budapest sẽ không còn cản bước Stockholm gia nhập NATO. Do đó, sự chấp thuận của Ankara sẽ loại bỏ rào cản cuối cùng để Thụy Điển gia nhập NATO, quy trình vốn yêu cầu sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên.