Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ ba về quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi tại Djibouti. (Nguồn: AA) |
Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Djibouti có đại diện từ 14 quốc gia châu Phi, bao gồm Angola, Chad, Comoros, Cộng hòa Congo, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Ghana, Libya, Mauritania, Nigeria, Nam Sudan, Zambia và Zimbabwe.
Trong vai trò chủ trì Hội nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết thương mại giữa Ankara và châu Phi đã vượt 35 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào châu lục này hiện đạt 7 tỷ USD.
Ông Fidan chia sẻ: “Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng một cách tiếp cận toàn diện về mặt tăng cường quan hệ đối tác thương mại và kinh tế của chúng tôi với châu lục này”.
Đồng thời, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Bên cạnh đó, ông Hakan Fidan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để có thể đối phó hiệu quả với các thách thức phức tạp của thế kỷ.
Mặt khác, Ngoại trưởng Fidan cũng kêu gọi sự tham gia lớn hơn của châu Phi trong vấn đề xung đột Israel-Palestine. Ông bày tỏ tin tưởng châu Phi có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân Palestine cũng như thúc đẩy Israel chấm dứt hoạt động quân sự tại các vùng lãnh thổ ở Palestine.
Hội nghị cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư mạnh mẽ vào châu Phi. Trong suốt 2 thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện 50 chuyến thăm đến 31 quốc gia châu Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ tư cho khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara và đã hỗ trợ đào tạo lực lượng vũ trang tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Gần đây, nước này đã nỗ lực đóng vai trò trung gian trong xung đột giữa Ethiopia và Somalia, cũng như ký kết thỏa thuận khai thác mỏ với Niger.