Người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, HĐBA LHQ đã không thể đại diện cho các quốc gia với 1,7 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Theo ông Erdogan, HĐBA LHQ đã không thể đưa ra được quyết định về vấn đề Jerusalem vì quyền phủ quyết của Mỹ - một trong năm thành viên thường trực HĐBA LHQ. Do đó, ông Erdogan kêu gọi tăng thêm quyền lực cho HĐBA LHQ trong vấn đề Jerusalem.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất HĐBA LHQ nên gồm có 20 thành viên bình đẳng hoạt động trong 2 năm và một nửa trong số đó cần được thay đổi mỗi năm. Như vậy tất cả các nước trên thế giới sẽ có tiếng nói trong các vấn đề quan trọng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, HĐBA LHQ đã không thông qua được nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel do bị Mỹ phủ quyết dù nhận được sự ủng hộ từ 14 thành viên khác của HĐBA, trong đó có nhiều đồng minh quan trọng của Washington như Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản và Ukraine.
Tuy nhiên, sáng 21/12 (giờ New York), với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết trên. Các nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này là Mỹ, Israel, Guatemala, Honduras, Togo, Micronesia, Nauru, Palau và quần đảo Marshall.
Trong diễn biến liên quan, dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này kiên định ủng hộ “giải pháp hai quốc gia” và thành lập một nhà nước Palestine độc lập với đầy đủ chủ quyền, dựa trên đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem. Ông Vương Nghị đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc gặp với hai đại diện của Tổng thống Palestine là Ahmed Majdalani và Nabil Shaath tại thủ đô Bắc Kinh ngày 22/12.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, vấn đề Palestine là một vấn đề mang tính gốc rễ của khu vực Trung Đông, vì vậy nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ không thể có hòa bình trong khu vực. Ông Vương Nghị cũng kêu gọi phía Palestine thiết lập một lực lượng thống nhất, kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, phát huy tối đa vai trò của LHQ và không ngừng tập hợp lực lượng để tăng cường tiếng nói kêu gọi hòa bình.
Hai đại diện của Tổng thống Palestine đã cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc và hy vọng nước này sẽ phát huy vai trò lớn hơn tại khu vực Trung Đông.
Tại Malaysia, ngày 22/12, hơn 10.000 người đã tuần hành thể hiện sự đoàn kết với người Palestine, đồng thời phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tham gia cuộc tuần hành này có Thủ tướng Najib Razak và một số một số quan chức cao cấp khác của Malaysia.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh CNN ngày 22/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, nước này đang thảo luận với "một số quốc gia" về việc dời đại sứ quán các nước này đến thành phố Jerusalem. Tuy nhiên, ông Netanyahu không nêu rõ cụ thể quốc gia nào đang đối thoại với Israel.