Thông báo nêu rõ, các NGO tại 39 tỉnh trên cả nước đã bị đóng cửa vì những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Theo tuyên bố trên, khoảng 190 NGO trong số này có liên quan tới đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, 153 NGO khác có quan hệ với phong trào của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại nước này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: HRT) |
Số còn lại có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C), vốn đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vũ trang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, công tác điều tra vẫn đang tiếp diễn, đồng thời cam kết loại bỏ mọi cá nhân và tổ chức dính líu tới khủng bố.
Trong khi đó, cùng ngày, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Tổng Biên tập nhật báo Cumhuriyet trong khuôn khổ điều tra các đối tượng có dính líu tới cuộc chính biến hồi tháng 7.
Đại diện của Cumhuriyet cho biết, ông Akin Atalay đã bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế Istanbul sau khi trở về từ Đức. Hồi tuần trước, cảnh sát cũng đã bắt giữ 9 nhân viên của tòa báo này.
Được biết, trong những năm gầy đây, Cumhuriyet là tờ báo có rất nhiều bài viết phản đối mạnh mẽ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hoạt động điều tra liên quan tới vụ đảo chính, ngày 11/11, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt giữ nhà báo Pháp Olivier Bertrand. Người này làm việc cho trang tin tức tiếng Pháp "lesjours.fr" và bị bắt giữ khi đang tác nghiệp tại Gaziantep cùng với một nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, sau đó, nhiếp ảnh gia đã được trả tự do.
Hội Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kể từ khi xảy ra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 100 nhà báo và đóng cửa 170 cơ quan và đơn vị báo chí và truyền thông trên cả nước.