📞

Thổ Nhĩ Kỳ-EU: Liệu có tránh được một cuộc chia tay?

16:22 | 22/03/2017
Tờ Le Monde số ra ngày 20/3 nhận định, bất chấp căng thẳng dâng cao, Liên minh châu Âu (EU) vẫn không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do chính được cho là do EU muốn cố gắng duy trì thỏa thuận về người tị nạn. 

Một năm sau khi thỏa thuận ngày 18/3/2016 ra đời nhằm chặn đứng dòng người tị nạn trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ tới EU, một bước đi được Brussels ca ngợi là điểm khởi đầu mới cho quan hệ với Ankara, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng trước nguy cơ đoạn tuyệt.

Vượt quá giới hạn đỏ

Có vẻ như "giới hạn đỏ" đã bị Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua rất xa sau khi Tổng thống Erdogan mới đây lên tiếng cáo buộc các nhà lãnh đạo Đức và Hà Lan áp dụng các phương pháp “phát xít” bằng cách cấm các cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ tại Đức nhằm kêu gọi ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, qua đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau sự kiện này, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Soylu ngày 16/3 đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ để mặc cho dòng người tị nạn tự do tràn vào châu Âu. Trước đó ngày 15/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavusoglu cũng đe dọa “đơn phương chấm dứt” thỏa thuận về người tị nạn. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

So với thái độ gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, phản ứng của châu Âu lại tương đối chừng mực. Phát biểu ngày 16/3, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định “việc so sánh Đức và Hà Lan với chủ nghĩa phát xít hay các tuyên bố có tính chất gây hấn chống lại Đức cũng như các nước thành viên EU khác là điều không thể chấp nhận”.

Giới quan sát nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ-EU dự kiến diễn ra vào đầu năm nay để chuẩn bị cập nhật thỏa thuận hải quan giữa hai bên ký kết từ năm 1995 sẽ khó có thể được tổ chức, mặc dù EU đã có ý định tiến hành bước đi này từ cuối 2016 nhằm tạo ra một cử chỉ thân thiện với Ankara. 

Giới lãnh đạo EU cũng từ chối lên tiếng về tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc thảo luận về chủ đề này vốn được tái khởi động từ tháng 6/2016 với việc mở ra một nội dung đàm phán về vấn đề ngân sách, đã hoàn toàn bị “đóng băng” kể từ cuối năm ngoái.

“Các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công khai không muốn xích lại gần chúng ta. Tuy nhiên, có nên công khai lên án họ, để rồi chính điều đó lại kích thích Erdogan biến chúng ta thành quỷ dữ? Không, làm như vậy sẽ không giúp cải thiện tình hình”, một nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

Tương lai khó đoán định

Tại châu Âu, những lập luận cho rằng cần phải tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán để không làm nản lòng những người Thổ Nhĩ Kỳ thân châu Âu, trong khi một bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại đang phải chịu đựng cuộc thanh trừng sau vụ đảo chính tháng 7/2016, vẫn thắng thế. 

Châu Âu, nhất là Đức, không hề muốn đẩy thỏa thuận về người nhập cư, vốn được Brussels coi là “thành công lớn”, vào thế nguy hiểm. Thực tế, dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ sang châu Âu đã giảm mạnh.

Yves Pascouau, chuyên gia về vấn đề di cư của Trung tâm chính sách châu Âu có trụ sở đặt tại Brussels giải thích: “Chặn tuyến đường Balkans chỉ uổng công nếu như Ankara mở lại các ‘van’ chặn người tị nạn, khi đó Hy Lạp sẽ lại rơi vào tình cảnh rất nhạy cảm”.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Nguồn: Hurriyetdailynews)

Trên bình diện ngoại giao, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte - người nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử vừa qua - đang cố gắng xoa dịu tình hình nhưng kiên quyết không nhượng bộ trước đòi hỏi của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu ông phải xin lỗi chính thức sau khi cấm hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Hà Lan vận động cho cuộc trưng cầu dân ý sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự cứng rắn của Hà Lan, ít nhất trên lời nói, cũng sẽ là nguyên tắc của chính phủ nước này trong tương lai. Đảng Tiếng nói dân chủ Thiên chúa giáo (CDA), nhiều khả năng sẽ tham gia liên minh cầm quyền, yêu cầu chấm dứt hoàn toàn các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hà Lan có thể sẽ cùng đứng về phía Áo, nước đang có đòi hỏi tương tự. Nghị viện châu Âu mới đây cũng ra tuyên bố theo chiều hướng này, với sự đồng thuận của tất cả các đảng phái chính trị, kể cả cánh tả. 

Một quan chức cao cấp châu Âu nhận định: “Sẽ có một ngày cuộc thảo luận về việc chấm dứt tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra. Nhưng chúng ta chưa nên vội vã làm điều đó. Cần đợi cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức”.