Do tình hình lạm phát, nhiều người dân phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định chọn mua hàng ở siêu thị. (Nguồn: dailysabah) |
Thổ Nhĩ Kỳ đang liên tiếp phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với việc đồng Lira mất một nửa giá trị vào năm 2021 do đại dịch Covid-19, lạm phát chạm mức cao nhất hai thập kỷ và xung đột Nga-Ukraine khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đẩy giá hàng hóa lên các mức cao mới.
Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ mới đây công bố báo cáo cho hay, lạm phát hàng năm của nước này đã đạt mức 69,97% vào tháng Tư, cao nhất trong hai thập kỷ.
Mức tăng giá cao nhất thuộc về lĩnh vực giao thông vận tải với 105,86%, trong khi chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89,1%.
Các siêu thị ở thủ đô Istanbul, từng có rất nhiều người mua sắm với nhiều loại hàng hóa, giờ trở nên trống vắng đìu hiu do lạm phát khiến giá cả vượt quá tầm với của người dân.
Một vài người mua sắm tới xem các bảng giá mới nhất trên kệ và sau đó bỏ đi với túi hàng trống rỗng, trong khi các nhân viên phàn nàn rằng doanh số bán hàng đã giảm quá mạnh do giá cả tăng "điên rồ".
Các sản phẩm sữa đều tăng vọt bất kể nhãn hiệu nào, sau khi Hội đồng Sữa quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh giá chuẩn của sữa tươi nguyên liệu tăng hơn 30%.
Giá một kg phô mai trắng, một món không thể thiếu trên bàn ăn sáng của người Thổ Nhĩ Kỳ, tăng từ 80 Lira (khoảng 4,27 USD) lên ít nhất 120 Lira, thạm chí đối với một số thương hiệu phô mai cheddar, giá 1 kg lên tới 195 Lira.
Một phụ nữ giấu tên nói: "Tôi cắt giảm chi tiêu nhiều nhất có thể. Nếu tôi mua phô mai trắng, tôi sẽ không nhìn vào phô mai cheddar hay bất kỳ sản phẩm nào khác".
Người phụ nữ này cũng cho biết, cô đã từ bỏ việc mua sáu gói sữa hữu cơ 200 ml sau khi nó tăng từ 30 Lira lên 53 Lira, mặc dù đó là thức uống từ sữa chính của con trai cô.
Cô than thở: "Giá cả đang tăng cao. Chúng tôi không thể làm được gì nhiều với mức lương này". Hiện mức lương tối thiểu hàng tháng của hàng triệu công nhân Thổ Nhĩ Kỳ là 4.250 Lira.
Một nhân viên quầy phô mai tại một siêu thị phàn nàn về việc doanh số bán hàng sụt giảm mạnh, đặc biệt là sau đợt tăng giá gần đây nhất của các sản phẩm sữa.
Anh nói: "Nếu như ngày trước, bạn không thể có thời điểm nào thích hợp để phỏng vấn tôi do quá đông khách. Bây giờ, siêu thị hầu như không có ai vì sức mua của mọi người đã giảm dần”.
Sevda Alkin, một người nội trợ, định mua một vài bình sữa cho hai đứa cháu của mình, nhưng cô đã từ bỏ ý định đó sau khi thấy giá của nhãn hiệu sữa đã chọn là 22 Lira, tăng so với 15 Lira một tháng trước.
Rosalina là một người nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ 22 năm trước để có một công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh. Giờ đây, cô ấy đang cân nhắc việc quay trở lại quê nhà, vì thu nhập của cô đã giảm do lạm phát gia tăng.
Giá năng lượng toàn cầu hiện đang tăng cao do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Hầu hết năng lượng ở Thổ Nhĩ Kỳ đều phải nhập khẩu. Giới phân tích cho rằng giá cả ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn còn duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022 và lạm phát cuối năm ước tính lên 52,2%.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh kể từ mùa Thu năm ngoái. Đồng Lira lao dốc sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan thúc đẩy chính sách nới lỏng tiền tệ, buộc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) cắt giảm lãi suất 5 điểm phần trăm.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng có thể chặn đà tăng của lạm phát ở nước này nhờ chương trình kinh tế mới, trong đó ưu tiên lãi suất thấp nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hướng tới đạt thặng dư thương mại. Nước này cũng dự báo lạm phát sẽ giảm xuống mức 1 chữ số trong năm 2023.
| Thổ Nhĩ Kỹ và chiến lược ngoại giao 'không ngủ' trong tháng lễ Ramadan Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành các hoạt động ngoại giao dồn ... |
| Báo Thổ Nhĩ Kỳ khen máy bay Nga MiG-29/35 ‘siêu việt nhất thế giới’, vượt xa F-16 của Mỹ Bài báo cho rằng, khi nói về bất cứ mẫu máy bay nào thì tính cơ động cũng là nét đặc trưng nổi bật trong ... |