📞

Thổ Nhĩ Kỳ - 'nỗi lo' thường trực của NATO

Phước Hải 06:00 | 05/04/2023
Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến NATO “đau đầu” vì thực hiện những chính sách khác biệt so với các đồng minh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Ukraine và Nga. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 1/4 đã thông qua quyết định của Quốc hội nước này phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan. Xác nhận của Tổng thống Erdogan là bước cuối cùng trong quá trình Ankara phê chuẩn Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO.

Mặc dù vậy, cái "gật đầu" của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn còn xa vời. Ankara từ chối đề nghị của Stockholm vì nước này "chưa đủ" trong việc thực hiện cam kết thỏa thuận vào năm ngoái.

Điều này đã khiến một số nước đồng minh tỏ ra không hài lòng. Và đây không phải là lần đầu tiên chính sách của Ankara thực hiện gây ra nhiều tranh cãi.

Trước đó, vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý mua vũ khí quân sự của Nga để chống lại người Kurd ở Syria do Mỹ hậu thuẫn. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

Chính sách cân bằng

Mặc dù là một thành viên của NATO nhưng hầu như chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ lại mang nét khác biệt so với các đồng minh khác.

Thay vì chọn đứng về phía Ukraine như hầu hết các quốc gia khác, Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn cách đứng trung lập và tham gia vào việc hòa giải giữa Moscow và Kiev trong cuộc xung đột lần này.

Điển hình là thỏa thuận ngũ cốc Ukraine hay còn được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhờ thỏa thuận này mà ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng lương thực mới trên toàn cầu.

Cũng theo quan chức trên, Ankara đang đóng vai trò tích cực trong hoạt động trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong chuyến thăm Serbia vào năm 2022 đã phát biểu rằng: “Là Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Ukraine và Nga. Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo chính sách cân bằng đó”.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu giấu tên cho biết, sở dĩ Ankara thực hiện chính sách cân bằng mọi thứ như vậy là để tạo ra lợi ích lớn nhất cho quốc gia của họ.

Theo ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, “không giống với phần lớn các đồng minh khác sợ bị cô lập thì Thổ Nhĩ Kỳ lại không quan tâm mấy và điều này đã đem lại cho quốc gia này sức mạnh và sức ảnh hưởng to lớn”.

Các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine "không có lợi vào lúc này" song “nếu trở lại, ai sẽ đóng vai người hòa giải? Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ? Tôi đặt cược vào Thổ Nhĩ Kỳ”. (Ông Jamie Shea)

Cửa vẫn mở cho Thụy Điển

Sự sẵn sàng hành động một mình của Ankara được thể hiện đầy đủ khi nước này ngăn chặn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, Ankara nêu lên mối lo ngại về việc các nước này ủng hộ các nhóm người Kurd và hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Vào tháng 6, cả ba đã ký một thỏa thuận cam kết Phần Lan và Thụy Điển thắt chặt luật chống khủng bố, giải quyết các yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nghi phạm khủng bố và trấn áp nhóm người Kurd.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng trôi qua, chính quyền của ông Edrogan mới "bật đèn xanh" cho Phần Lan trong khi vẫn "bật đèn đỏ" với Thụy Điển.

Các chuyên gia cho rằng, sự chậm trễ một phần có liên quan đến chính trị trong nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5 và căng thẳng với Stockholm leo thang sau khi đốt kinh Koran trong một cuộc biểu tình hồi đầu năm nay.

Bà Aslı Aydıntaşbaş, nghiên cứu viên của Viện Brookings, chuyên về chính sách đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Ý tưởng chia tách tư cách thành viên và chấp nhận Phần Lan của Thổ Nhĩ Kỳ là rất thông minh. Tôi nghĩ rằng điều đó đã giúp ích rất nhiều cho Thổ Nhĩ Kỳ khi chứng minh rằng sự phản đối của họ đối với Thụy Điển là vì lợi ích và yêu cầu của chính Thổ Nhĩ Kỳ”.

Có nhiều suy đoán trong NATO rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý cho Thụy Điển gia nhập sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh vẫn phải xem xét nghiêm túc những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi kết nạp Thụy Điển. Người đứng đầu NATO hy vọng Thụy Điển có thể trở thành thành viên sau cuộc bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ và trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh vào ngày 11/7.

Trong khi đó, Ankara cũng thể hiện ủng hộ việc mở rộng NATO. Một quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Thời điểm chúng tôi thấy Thụy Điển thực hiện các cam kết của mình, chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình phê chuẩn như từng làm với Phần Lan”.

(theo Politico)