Hôm 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn hai thỏa thuận gồm triển khai thêm binh sĩ nước này tại một căn cứ quân sự ở Qatar cũng như việc huấn luyện cho lực lượng hiến binh Qatar. Theo các thỏa thuận, lực lượng vũ trang của hai nước cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung.
Báo Hurriyet cho hay, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã có sẵn khoảng 88 binh sĩ đồn trú tại Qatar và con số này rốt cuộc có thể lên đến 1.000 người.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Dinh Tổng thống, ngày 20/6. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, chuyến tàu hàng viện trợ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ cho Qatar, chở khoảng 4.000 tấn thực phẩm khô và rau quả đã khởi hành ngày 21/6 từ một cảng biển thuộc tỉnh miền Tây Izmir, và dự kiến sẽ đến Doha trong vòng 10 ngày. Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci trước đó nhấn mạnh, mặc dù Ankara đã thực hiện 105 chuyến hàng tiếp tế bằng đường không tới Qatar song việc duy trì viện trợ theo hình thức này là không bền vững. Ankara cũng đang mở thêm cả các tuyến vận tải bằng đường bộ.
Giới phân tích nhận định việc các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và một vài quốc gia khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế có thể sẽ gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Qatar nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tiếp tục kéo dài.
Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Qatar chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể như giá hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực tới nước này giảm sút.