Bị triệu hồi về nước, Đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault nhận xét gay gắt. (Nguồn: Getty Immage) |
Quyết định triệu hồi Đại sứ của Pháp tại các nước đồng minh thân cận là Mỹ và Australia được đánh giá là động thái gần như chưa từng có, sau khi Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập thỏa thuận đối tác an ninh 3 bên, được gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào ngày 15/9.
Thỏa thuận này cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm truyền thống với Paris trị giá đến 40 tỷ USD.
Thay vào đó, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh sau khi thiết lập AUKUS.
Đại sứ Jean-Pierre Thebault cho biết, ông rất buồn khi phải ra đi và một lần nữa so sánh cách đối xử của Australia với Pháp là "một nhát dao sau lưng".
Ông Thebault nói: “Tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn, một cách xử lý rất tồi tệ đối với mối quan hệ đối tác - bởi vì vấn đề không phải chỉ là một hợp đồng, mà là một mối quan hệ hợp tác được cho là dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và chân thành.
Tôi ước chúng ta không phải rơi vào một tình huống khó tin, vụng về và rất không Australia này".
Tuy nhiên, Đại sứ Thebault tin tưởng mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa Pháp và Australia sẽ vẫn bền chặt như vốn có.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Pháp cũng cáo buộc Australia cố tình che giấu trước khi tuyên bố sẽ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ và Anh, chỉ trích đây là "sự vi phạm lòng tin".
Xung đột ngoại giao giữa hai nước hiện đang đe dọa lan sang mối quan hệ thương mại giữa Australia và Liên minh châu Âu (EU). Canberra đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với khối này.
Đề cập các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune nói với đài truyền hình France 24: "Tôi không hiểu làm thế nào để chúng ta có thể tin tưởng các đối tác Australia của mình".
Giám đốc Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu đối ngoại Lowy Hervé Lemahieu nhận xét, những bình luận của ông Beaune đã gửi đi lời “báo động” tới Canberra.
Ông Lemahieu lo ngại Pháp, một thành viên có quyền lực trong EU, có thể làm phức tạp quá trình đàm phán FTA giữa Australia và khối này.
Trước đó, người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết Australia lấy làm tiếc về việc triệu hồi ông Thebault, một bước đi ngoại giao cực kỳ hiếm hoi giữa các đồng minh.
Người phát ngôn nói: "Australia coi trọng mối quan hệ với Pháp, một đối tác quan trọng và đóng góp quan trọng vào sự ổn định, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này sẽ không thay đổi.
Australia hiểu rõ sự thất vọng sâu sắc của Pháp đối với quyết định của chúng tôi, quyết định được đưa ra phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia rõ ràng và đã được thông báo.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác trở lại với Pháp về nhiều vấn đề cùng quan tâm, dựa trên các giá trị được chia sẻ".
| Thỏa thuận tàu ngầm Australia-Mỹ: Pháp chỉ trích Anh hành xử cơ hội, Canberra phân trần, Nga nói 'chuyện bình thường' Quyết định triệu hồi đại sứ của Pháp tại các nước đồng minh thân cận là Mỹ và Australia được đánh giá là động thái ... |
| AUKUS khởi động: Australia hủy hợp đồng, Pháp thấy 'bị phản bội', Mỹ lấy làm tiếc về việc Paris triệu hồi Đại sứ Ngày 17/9, Nhà Trắng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng ... |